CôngThương - Theo các chuyên gia thủy sản, mặt hàng này tiếp tục có nhiều triển vọng gia tăng cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm 2011
Cà Mau là tỉnh có ngành công nghiệp chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất nước, với 35 nhà máy. Trong năm qua, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt con số kỷ lục: 823 triệu USD. Ông Ngô Thanh Lĩnh, Phó Phòng Kế hoạch – Tài chính Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, nhận định: “Tình hình xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2011 dự báo nhiều tín hiệu khả quan. Minh chứng rõ nhất là sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu tôm từ đầu năm 2011 đến nay vẫn vượt trội so với cùng kỳ”.
Theo thông tin từ Hội Chế biến - Xuất khẩu Thủy sản tỉnh Cà Mau (CASEP), hiện nay, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu chỉ hoạt động được khoảng 45% công suất. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cà Mau (Camimex), lý giải đây là điều bình thường trong sản xuất. Bởi như thông lệ hằng năm, cứ vào quý I, nguồn tôm nguyên liệu lại thiếu hụt trầm trọng vì lúc này nông dân đã thu hoạch xong vụ tôm chính và đang cải tạo ao đầm để sản xuất vụ tôm mới. “Thường thì xuất khẩu tôm luôn phụ thuộc vào mùa tiêu thụ, mạnh nhất là vào dịp Noel và Tết Dương lịch. Hiện nay, các đối tác của Camimex đã có đơn đặt hàng với số lượng không hề thấp hơn cùng kỳ năm trước” - bà Tuyết hồ hởi.
Năm 2011, tỉnh Cà Mau định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, năng suất và hiệu quả. Theo đó, sẽ hình thành những vùng nuôi tập trung áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm kiểm soát và xử lý kịp thời dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh cũng đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi hơn 105.000 tấn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Đó là cơ sở để nhiều doanh nghiệp ở Cà Mau tin tưởng trong năm 2011 vấn đề nguyên liệu sẽ từng bước được tháo gỡ với nỗ lực của doanh nghiệp, người nuôi tôm và các nhà quản lý.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương, nhận định: “Được quy hoạch tốt và đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, cộng với giá tôm tăng cao sẽ thúc đẩy nông dân đầu tư nuôi nhiều. Khi đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, tất nhiên sản lượng tôm xuất khẩu trong năm sẽ ổn định và tiếp tục tăng”.
Kỳ vọng vào giá
Kết thúc năm 2010, nhiều doanh nghiệp như Camimex, Đại Dương, Phú Cường... đã không đạt được chỉ tiêu về sản lượng chế biến tôm xuất khẩu song về doanh số xuất khẩu vẫn vượt xa kế hoạch. Cụ thể, Công ty Phú Cường trong năm 2010, chế biến được hơn 1.500 tấn, chỉ đạt 80% kế hoạch nhưng doanh thu đạt trên 200%. Công ty Đại Dương trong năm, chế biến được 3.200 tấn, đạt 96% kế hoạch nhưng doanh số đạt 24 triệu USD, tăng hơn 40%... Theo lãnh đạo các công ty, kết quả trên nhờ giá tôm tăng cao kỷ lục.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy hải sản Minh Phú, cho biết trong tháng 1 vừa qua, Công ty Minh Phú đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 2.000 tấn tôm các loại. Được biết trong năm 2010, Minh Phú đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm với 23.871 tấn, kim ngạch đạt 248 triệu USD, vượt hơn 50% kế hoạch. Kết quả này càng có ý nghĩa trong tình trạng thiếu tôm nguyên liệu làm đau đầu không ít lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến thủy sản khác ở ĐBSCL.
Các chuyên gia thủy sản dự báo giá tôm xuất khẩu có thể sẽ còn khả quan hơn trong những tháng tiếp theo. Hiện tại, tôm nguyên liệu tại ĐBSCL loại 20 con/kg có giá 250.000-260.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tôm cỡ 16 - 20 xuất khẩu, giá khoảng 15,5 USD/kg. Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký CASEP, khẳng định: “Để xuất khẩu tôm tiếp tục ổn định trong năm 2011, các doanh nghiệp cần phải giữ được thị trường hiện có, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật và EU. Đồng thời phát triển thêm thị trường mới, trong đó cần chú trọng những thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc... Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung đổi mới công nghệ chế biến để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu”.