Xúc tiến thương mại: Khơi “dòng chảy” xuất khẩu nông sản
Thưa ông, từ đầu năm đến nay, giống như rất nhiều mặt hàng khác, nông sản đã gặp khó khăn về đầu ra khi xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình đã phần nào được cải thiện thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân là nhờ các giải pháp xúc tiến xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ. Xin ông chia sẻ về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp |
Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản đã đạt 34,48 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Điều này có nguyên nhân là do xuất khẩu hàng hoá nói chung gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2023 ở tất cả các mặt hàng chứ không riêng gì nông sản. Có nhiều lý do, trong đó đặc biệt là do tình hình lạm phát nên các thị trường truyền thống và trọng tâm của nước ta như Mỹ, EU… suy giảm nhu cầu. Bên cạnh đó, ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraina đã ảnh hưởng đến tình hình thị trường và nhiều bạn hàng của chúng ta trên thế giới.
Mặc dù ngay từ đầu năm 2023, ta đã có dự báo và hình dung tình hình sẽ gặp khó khăn song quý 1 và quý 2 là thời điểm cực kỳ khó khăn khi chưa bao giờ xuất khẩu giảm đến 2 con số.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường. Nhờ đó, những tháng gần đây, xuất khẩu nông sản đã có sự hồi phục.
Có thể thấy, xuất khẩu nông sản sụt giảm chủ yếu ở 2 thị trường Mỹ và EU với 2 nhóm chính là gỗ, lâm sản và thuỷ sản. Song tín hiệu đáng mừng là đầu năm 2023, Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới sau đại dịch Covid-19 nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có bước tăng trưởng trở lại. Trung Quốc là thị trường lớn và đang phần nào giúp giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là trái cây và gạo.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng trực tiếp đi Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam.
Vừa rồi khi dự hội nghị ở Nam Ninh, Chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa với 4 nhóm hàng như sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… Có thể nói công tác đàm phán mở cửa thị trường đã được đẩy lên rất mạnh.
Quảng bá cà phê Việt Nam tại Hội chợ CAEXPO 2023 |
Đặc biệt, chúng ta thấy rằng, năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia. Các đoàn đại biểu khi đi bất cứ quốc gia nào cũng đặt vấn đề về việc các thị trường tạo điều kiện để mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam. Đây thực sự là nỗ lực rất lớn.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, sau đại dịch Covid-19, có thể nói chưa năm nào, các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội thảo, sự kiện từ phía các bộ, ngành Trung ương lại sôi động như vậy. Chúng tôi vừa đi Trung Quốc và Campuchia về và tháng 11 sẽ tiếp tục có 2 đoàn đi Thượng Hải, Quảng Đông để mở các thị trường cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, khả năng chống chọi của doanh nghiệp thời gian qua tương đối tốt. Mặc dù tình hình khó khăn, thuỷ sản và lâm sản có kim ngạch giảm đến trên 20%, song doanh nghiệp đã tìm mọi cách để khơi thông thị trường trong nước, giảm bớt khó khăn cho xuất khẩu.
Sang quý 4 , khi lượng lưu kho ở Mỹ và EU giảm, chúng tôi tin rằng nhu cầu nông sản sẽ tăng lên. Đến cuối năm 2023 và đầu 2024, có thể phục hồi lại như năm 2022.
Song song với việc xúc tiến thương mại trực tiếp, thời gian qua, đã có nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu qua nền tảng số được triển khai, giúp mở rộng đầu ra cho nông sản xuất khẩu. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?
Xu hướng thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2020, do đại dịch nên Trung Quốc - thị trường lớn của chúng ta đã thực hiện rất nhiều biện pháp để cách ly, giãn cách.
Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng buộc phải mua hàng qua thương mại điện tử và điều này đã trở thành xu thế đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, Trung Quốc đã trở thành thị trường có sự phát triển thương mại điện tử lớn nhất với tỷ lên đến 31% trên tổng số doanh số bán lẻ.
Tại Việt Nam, thương mại điện tử thời gian qua cũng rất phát triển. 9 tháng đầu năm 2023, doanh số bán lẻ tăng hơn 9% nhưng thương mại điện tử tăng 21%. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng nhiều loại nông sản Việt Nam có thể thông qua thương mại điện tử để xúc tiến tiêu thụ trong nước và trên thế giới.
Đầu tiên, chúng tôi kết nối với các sàn thương mại điện tử để các doanh nghiệp dần làm quen. Hiện nay, nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng, nội thất, gỗ và lâm sản của chúng ta đang được tiêu thụ tốt tại các sàn lớn như Amazon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã kết nối với nhiều sàn thương mại điện tử của Mỹ, châu Âu để giới thiệu những loại nông sản của ta phù hợp với xu hướng tiêu dùng.
Tại Trung Quốc, chúng tôi thấy xu hướng nhu cầu về sản phẩm nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử là rất lớn nên chúng tôi đã hỗ trợ cho các chủ thể, doanh nghiệp lên các mạng xã hội như Tik Tok Shop, Taobao… Đồng thời, nâng cao năng lực để họ có thể bán hàng livestream. Cùng với đó, chúng tôi khảo sát các hình thức thương mại điện tử thông qua kho ngoại quan.
Rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở Trung Quốc ở các tỉnh phía sâu trong đất liền đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Khi doanh nghiệp của chúng ta đưa sản phẩm nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng thương mại điện tử thì rất phù hợp với xu thế tiêu dùng của Trung Quốc và có thể được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định. Trong xu thế đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử là xu thế tất yếu và từng bước chúng ta có thể ứng dụng thương mại điện tử không chỉ gói gọn tại Việt Nam mà còn xuyên biên giới.
Dù đã có khởi sắc trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung, hoạt động xuất khẩu nông sản còn đối diện với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, thời gian tới, hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản sẽ tập trung vào những nội dung gì?
Định hướng của chúng ta năm 2024 là nhấn mạnh ngoại giao kinh tế, các đoàn cấp cao, các chuyến thăm đều đặt vấn đề mở cửa thị trường. Làm sao để ta tham gia thành công vào các thị trường chính ngạch và được hưởng các mức thuế theo các FTA.
Chúng ta cũng thấy rằng, doanh nghiệp đã được hưởng lợi rất lớn từ công tác tổ chức hội chợ triển lãm. Song nếu ta có các gian hàng quốc gia thì khả năng tiếp cận và quảng bá sản phẩm sẽ lớn hơn nhiều, thuận lợi cho đối tác bạn hàng tìm đến. Doanh nghiệp tham gia gian hàng quốc gia sẽ có uy tín hơn, được các cấp ngành và Chính phủ hỗ trợ. Vì nhiều hội chợ sẽ có quy mô cực lớn và các gian hàng nhỏ của riêng doanh nghiệp sẽ khó có thể quảng bá hiệu quả.
Khi tham gia hội chợ ta không chỉ xây dựng và quảng bá thương hiệu mà còn là cơ hội khảo sát thị trường, tìm kiếm bạn hàng , tìm hiểu các tiêu chí về tuần hoàn, hữu cơ, phát triển xanh… Đồng thời, khi tham gia hội chợ, doanh nghiệp có thể học hỏi và xem xét đối thủ của chúng ta thay đổi ra sao.
Ví dụ, năm nay Trung Quốc có nhu cầu rất lớn với nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây với nhu cầu tăng từ vài trăm triệu đã lên đến hàng tỷ USD. Song bên cạnh thành công thì rủi ro cũng bắt đầu khi Trung Quốc mở cửa cho nhiều loại trái cây của Philippines, Malaysia… Khi chúng tôi đi khảo sát thì thấy cách đóng gói của họ khác chúng ta rất nhiều. Hệ thống logistics của họ cũng tốt hơn. Do đó, các hội chợ sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp để xác định rõ nhu cầu thị trường, định hướng rõ thị trường của ta là cao cấp, trung cấp hay phổ thông; trên cơ sở đó mới định vị được thương hiệu, mẫu mã bao bì.
Ngoài ra, thích ứng với xu thế thương mại điện tử, năm 2024, chúng tôi hy vọng sẽ kết nối hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, hay các nền tảng lớn của Trung Quốc như Tiktok, Douyin… Bên cạnh trực tiếp, có thể đẩy mạnh quảng bá trên sàn thương mại điện tử để đa kênh, đa điểm chạm, giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt nhất với sản phẩm.
Qua quá trình khảo sát, xúc tiến thương mại, chúng tôi có niềm tin và cho rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để hoạt động xuất khẩu nông sản khởi sắc hơn trong năm 2024.
Xin cảm ơn ông!