Xung quanh sự cố thủy điện Sông Tranh 2: "Cái sảy nảy cái ung"
Đập Thủy điện Sông Tranh 2 nhìn từ phía hạ lưu
- Từ ngày 19/3, tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 – một trong những công trình thủy điện lớn nhất miền Trung, với dung tích hồ chứa hơn 730 triệu m3 nước đã xuất hiện một số vết nước chảy ra từ thân đập chính tạo nên một số dòng chảy nhỏ từ phía thượng lưu về hạ lưu với tốc độ 30 l/s.
Mặc dù EVN đã lên tiếng khẳng định đây là những vết nứt từ khe nhiệt có sẵn trong thiết kế và không gây nguy hiểm tới sự an toàn của thân đập nhưng dư luận vẫn hết sức hoang mang. Lý do là tại khu vực này thời gian gần đây đã xảy ra những rung chấn, động đất. Vì vậy, nhiều người lo lắng liệu hồ thủy điện tích nước có thể gây động đất kích thích và chính những cơn dư chấn đó đã gây ra nứt đập hay không? Trước tình hình đó, ngày 21/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực và Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng khẩn trương kiểm tra và có giải pháp khắc phục.
Sự cố đã được kiểm soát
Ngay sáng 21/3, đoàn kiểm tra liên ngành gồm tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam; Cục An toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và EVN đã có buổi kiểm tra thực tế hiện tượng rò rỉ nước tại thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2 và bàn giải pháp khắc phục. Vấn đề đoàn kiểm tra liên ngành đặt là: Đâu là nguyên nhân gây ra những vết rò rỉ. Những vết rò rỉ này có từ sai sót trong thiết kế thi công hay liên quan tới vụ động đất kích thích xảy ra thời gian qua trên địa bàn huyện Bắc Trà My? Giải pháp khắc phục tối ưu cho tình trạng này là gì?
Kết quả kiểm tra tại thân đập chính cho thấy, trên thân đập không thấy xuất hiện vết nứt, đập nước vẫn đang vận hành ở mức độ an toàn theo thiết kế. Còn tình trạng xảy ra hiện tượng rò rỉ nước là do thiếu đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải dẫn về phía hạ lưu. Do vậy, lượng nước đọng này chảy tự do qua khe co giãn không có gioăng omega, thẩm thấu qua thân đập và thoát ra ngoài.
Sau khi kết thúc đợt kiểm tra tại hiện trường, chiều 22 và sáng 23/3, tại Hà Nội, Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tiếp tục tổ chức các buổi làm việc giữa các bên để phân tích nguyên nhân của sự cố để tìm những giải pháp khắc phục bài bản và bền vững. Có lẽ điều khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm là kết luận khẳng định sự cố rò rỉ nước ở Sông Tranh 2 không liên quan đến đợt động đất xảy ra trước đó. Bởi lẽ, theo các chuyên gia, nếu sự cố có liên quan đến trận động đất thì sẽ rất nguy hiểm. Về nguyên nhân gây sự cố, đoàn công tác liên ngành kết luận: hiện tượng rò rỉ nước là do thiếu đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải dẫn về phía hạ lưu. Do vậy, lượng nước đọng này chảy tự do qua khe co giãn không có gioăng omega, thẩm thấu qua thân đập và thoát ra ngoài. Theo Tiến sĩ Bùi Trung Dung, Phó cục trưởng cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), từ khâu thiết kế, thẩm tra thiết kế, đến thi công và tư vấn giám sát, quản lý vận hành đều có lỗi. Bởi lẽ, đường ống thiết kế không có nhưng khi có hiện tượng nước đọng gây rò nước bất thường thì việc phát hiện và xử lý lại quá chậm. Mặt khác, công trình còn nằm trong thời gian bảo hành thời hạn 2 năm nhưng nhà thầu thiếu tích cực phối hợp chủ đầu tư để khắc phục. |
Để khắc phục tình trạng này, đoàn công tác liên ngành đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung kiểm tra toàn bộ hệ thống thu gom và thoát nước theo thiết kế đã được phê duyệt, thông toàn bộ ống thu nước trong thân đập bị tắc, nếu ống nào không thông tắc được thì khoan bổ sung ngay; hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước trong hành lang thân đập để tăng khả năng thoát nước thấm và hoàn hiện hệ thống thu gom nước thấm bên ngoài hai vai đập. Sau khi thực hiện các bước nêu trên, nếu nước thấm ra hạ lưu không giảm, EVN phải xem xét phương án xử lý chống thấm bổ sung để bảo đảm điều kiện chống thấm tốt nhất cho công trình. Yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu từ nay đến cuối mùa khô sắp tới phải xử lý dứt điểm các vị trí rò rỉ ở thân đập.
Ngay sau đó, EVN đã chỉ đạo nhà máy thực hiện phát điện hết công suất để nước giảm nhanh, đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý như khoan phụt bê tông, lắp ống thoát nước… Đến ngày 22/3, lượng nước chảy qua thân đập đã giảm nhiều, những hiện tượng rò rỉ đã cơ bản được khắc phục. Đoàn công tác cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan thực hiện ngay việc phân tích số liệu quan trắc để có thể đánh giá an toàn của đập.
Bài học rút ra
Theo ông Dung, thực ra đây là lỗi nhỏ nhưng biện pháp xử lý không tốt, công trình còn nằm trong thời gian bảo hành thời hạn 2 năm nhưng việc xử lý thiếu sự phối hợp giữa các bên. Đến khi dư luận lên tiếng thì nhà thầu mới tiến hành trám, bịt các điểm rò rỉ. Vì vậy, dù sự cố không ảnh hưởng tới an toàn của đập nhưng đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân.
Ông Lê Văn Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2 cũng quả quyết: khi phát hiện sự cố, nhà thầu đã không báo cho đơn vị tư vấn thiết kế. Việc thực hiện thiếu bài bản đã khiến cho “cái sảy nảy cái ung”.
Hầu như các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, công trình thủy điện là một dạng công trình phức tạp vì có liên quan chặt chẽ tới địa chất, sông nước. Do đó phải đòi hỏi phải nghiêm túc thực hiện tất cả các bước, từ thiết kế, thẩm định thiết kế đến thi công, giám sát chất lượng đảm bảo các điều kiện kỹ thuật. Theo đó, chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về vấn đề giám sát. Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng phải thường xuyên cử các chuyên gia đến kiểm tra việc thực hiện công tác chất lượng.
Bình luận về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 là do sự thiếu khoa học, bài bản của cả nhà thầu và tư vấn, giám sát chung của Ban A - đại diện cho chủ đầu tư nên đã thi công không đúng kỹ thuật bản vẽ thiết kế. Đặc biệt là sự lúng túng và ẩu trong xử lý sự cố. Ông Ngãi khẳng định, đây là loại đập vĩnh cửu nên không bao giờ vỡ được. Vấn đề là phải làm đúng như thiết kế. Về giải pháp khắc phục bền vững, ông Ngãi cho rằng, phương án 1 là phải làm chụp để ngăn nước ở phía thượng lưu không cho chảy về hạ lưu để có được khoảng không để thi công lại khe nhiệt đó. Còn phương án 2 là cho phát tăng điện lên, xả nước ra nhiều để giảm mực nước ở phía thượng lưu xuống để có không gian thi công. Ông Ngãi cũng khuyến cáo, nếu không xử lý khẩn trương thì đến mùa mưa sẽ càng khó khăn. Mặt khác để càng lâu nước xói mòn vào thì càng nguy hiểm và sẽ gây nguy cơ hỏng đập.
Rõ ràng, từ kết luận của TS Bùi Trung Dung: “Công trình này lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát cho đến khâu quản lý khai thác vận hành” đã hé mở một vấn đề đáng băn khoăn, đó là sự chủ quan, tắc trách, thiếu sự phối hợp bài bản trong các khâu là nguyên nhân chính của những công trình kém chất lượng… Việc một công trình thủy điện trọng điểm quốc gia có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, quy mô lớn vào bậc nhất miền Trung lại có những sơ suất như thế thì thật đáng ngại. Có lẽ, bên cạnh việc yêu cầu Sông Tranh 2 rà soát lại toàn bộ các khâu để tìm giải pháp khắc phục bài bản và bền vững thì việc tổ chức rút kinh nghiệm để sự cố đó không được phép lặp lại ở các công trình khác là hoàn toàn cần thiết. Việc truy đến cùng gốc rễ của vấn đề cần phải có thời gian, song, bài học về năng lực, trách nhiệm và sự phối hợp luôn là những vấn đề nóng. Bởi lẽ, đó không chỉ là trách nhiệm về kinh tế với xã hội, cộng đồng mà trên hết còn là trách nhiệm với mạng sống của con người".
Ngọc Loan