Nhiều “thượng đế” mang máy đi sửa, bảo bị luộc đồ nhưng không có bằng chứng nên đành phải ngậm quả đắng, nhẫn nhục chịu tiền mất tật mang. Nhiều của hàng còn dùng chiêu độc, thay những linh kiện hiếm khiến khách hàng phải phụ thuộc vào họ.
Từ luộc tái đến luộc chín
Anh Nguyễn Quang H, vốn là chủ một cửa hàng sửa chữa, nâng cấp và bảo hành máy tính cho biết: "Có hai cách luộc đồ. Một là luộc chín, có nghĩa là luộc hết từ A - Z. Hai là luộc tái, chỉ luộc những đồ dễ tháo rời như ram, chíp, ổ ghi đĩa. Tùy từng khách hàng mà đưa ra quyết định có luộc đồ hay không. luộc đến mức nào H. nói.
Tôi thắc mắc, trên tất cả các sản phẩm, linh kiện máy tính đều có tem ghi số seri sao có thể thay được, anh H. cười bảo: "Đây là chiêu mà những thợ đẳng cấp mới làm được. Bọn anh dùng máy sấy bóc đi tem linh kiện xịn dán vào linh kiện cũ, rồi lắp ráp lại bình thường. Chỉ dân trong nghề nhìn mới biết được”.
Những linh kiện máy tính hay bị luộc nhất là những đồ dễ tháo dời như RAM, CPU, ổ CD, chips. Họ thường thay những đồ cấu hình thấp, cũ vào máy khách hàng để lấy những linh kiện có cấu hình cao. Những linh kiện cũ, hàng Tàu không nơi nào nhiều bằng chợ Trời. Có khi được mua từ những những người bán đồng nát -H. cho biết. Những linh kiện mua từ đồng nát giá cực rẻ, có khi chỉ 100 nghìn đồng /1kg RAM. Thợ sửa chỉ cần dùng cồn hoặc nước chuyên lau rửa linh kiện máy vi tính lau qua là như mới, thay cho khách. Được biết, chỉ cần luộc 1 cái RAM từ 1 Gb xuống 516 MB, thợ sửa máy đã nghiễm nhiên đút túi 200 nghìn đồng.
Càng sửa, bệnh càng nặng
Bạn Trần Trung Long, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) phản ánh: Hai tháng trước tôi mang laptop đến một cửa hàng trên đường Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để sửa gấp. Đến nơi, anh thợ sửa máy kiểm tra qua loa rồi bảo máy của tôi hỏng RAM, để lại để sửa và ngày mai có thể đến lấy. Lấy máy về, dùng được vài hôm thì máy lại bị như tình trạng hôm trước. Mang đến Pico Plaza bảo hành, các nhân viên ở đây bảo máy của tôi đã bị thay RAM và thiếu rất nhiều ốc vít ở bên trong. Tem dán một số linh kiện khác còn có dấu hiện nhăn nhúm.
Chị Hồ Thị Khánh Vinh, phố Triều Khúc (Hà Nội) mang máy tính để bàn đến cửa hàng gần nhà để sửa. Lúc mang đi máy của chỉ không đọc được đầu đọc thẻ, Usb. Các bác sĩ ở cửa hàng này vẫn dùng cái bài nhiều việc, hẹn hôm sau đến lấy. Sửa xong, dùng được mấy ngày thì máy tự nhiên dở chứng, thỉnh thoảng bị sụp không rõ lí do. Mang lại cửa hàng hôm trước sửa, nhân viên bảo máy của chị bị hỏng hai con chip, phải thay thì máy mới chạy được. Không đồng ý, chị Vinh mang máy đến Công ty Trần Anh để sửa. ở đây, chị được nhân viên công ty này báo tin dữ: hai con chip mới của chị đã bị phù phép thành hai con chip made in China cũ. Biết là bị luộc đồ nhưng không có bằng chứng nên chị đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Anh Hà Văn Kiên, chủ một cửa hàng sửa chữa máy tính xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Hiện nay, một số cửa hàng còn sử dụng chiêu thức rất tàn nhẫn. Nếu khách hàng không muốn sửa, mua linh kiện ở cửa hàng mình, họ sẵn sàng tháo vài con chip độc, hiếm, không có hàng thay rồi cất đi; thay đổi trật tự IC, đảo chiều... Hoặc chỉ cần dùng dao lam rạch chân chip cầu bắc, chip cầu nam. Theo anh Kiên, những lỗi phá hoại kiểu này nhiều thợ lành nghề không tinh tường khó mà có thể phát hiện ra được.
ông Trần Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm cứu hộ máy tính 911 (Hà Nội), tư vấn, khi mang máy đi sửa chữa, khách hàng phải yêu cầu nhân viên kỹ thuật ghi lại cấu hình máy có cả số serial của từng bộ phận, thời gian giao nhận cùng thông tin khách hàng... Tất cả phải có chữ ký của nơi sửa chữa và giao một bản sao cho khách giữ.
Theo ĐS&PL