Ngày 11/10, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, phổ biến nội dung "Quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển" đến các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh biết, thực hiện.
Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa cập cảng Hòn Rớ với đầy ắp cá ngừ đại dương. Ảnh: X.N |
11 tỉnh phối hợp quản lý tàu cá khai thác hải sản
Trước đó, ngày 5/9, 11 tỉnh, thành phố miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa đã ký kết "Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển".
Việc ký kết quy chế này nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tàu cá, chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên của tỉnh này xuất, nhập bến, nhập cảng, bốc dỡ sản phẩm và rời cảng đi khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh kia và hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp trên các vùng biển.
Theo quy chế, các tỉnh thống nhất tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về việc không đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài và trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 cho ngư dân. Đồng thời, tuyên truyền cho ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm...
Các tỉnh phối hợp, hỗ trợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó chú trọng tàu cá, thuyền viên trong danh sách được đề nghị tăng cường hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát.
Cùng với đó, chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá của tỉnh khác đến hoạt động cũng giống như tàu cá của tỉnh mình và có trách nhiệm tổ chức, tuyên truyền, nhắc nhở không để tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm pháp luật, kể cả đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài...
Đặc biệt, thống nhất chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu cá xuất bến, nhập bến; kiểm soát chặt chẽ thuyền viên tàu cá theo quy định. Kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác thủy sản đối với tàu cá không đạt các yêu cầu; tàu có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU đang được cơ quan chức năng xử lý...
Dự kiến, năm 2023, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy chế vào tháng 12. Thứ tự các năm tiếp theo các tỉnh chủ trì: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. |
Lực lượng chức năng kiểm tra nhật ký tàu cá tại cảng Hòn Rớ, Khánh Hòa. Ảnh: X.N |
Khánh Hòa quyết tâm gỡ 'thẻ vàng'
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 3.200 tàu cá, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ là 700 chiếc. Từ năm 2018 đến nay, Khánh Hòa chỉ ghi nhận 1 trường hợp tàu cá vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài. Thời gian qua, không ghi nhận trường hợp nào có vi phạm ở vùng biển nước ngoài.
Theo Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa, 8 tháng năm 2023 đã kiểm tra hơn 3.140 lượt tàu cập cảng; tổng sản lượng thủy hải sản qua cảng là hơn 46.400 tấn. Kiểm tra hành chính 135 tàu, xử phạt hành chính 66 phương tiện với số tiền hơn 825 triệu đồng.
Ngoài ra, cấp giấy chứng nhận ICCAT đi thị trường khác cho 10 lô hàng với 42.403 tấn hải sản; cấp giấy chứng nhận đi thị trường EU cho 91 lô hàng với hơn 1.154 tấn hải sản…
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, để tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, đơn vị liên tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát hồ sơ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” IUU được cả hệ thống chính trị và ngư dân Khánh Hòa chung tay quyết tâm. Đến nay, ngư dân trong tỉnh đã nhận thức được khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Hiển (SN 1977, chủ tàu cá 400 CV), cho hay, trước khi tàu về bờ đã thông báo cho Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ và trình bày nhật ký ghi chép. Suốt hành trình đánh bắt, ông cũng như thuyền viên tuân thủ các quy định, chỉ hoạt động trong khu vực biển được phép khai thác.
Cũng như ông Hiển, ông Huỳnh Văn Trương (SN 1983, chủ tàu cá 420 CV) cập cảng Hòn Rớ với khoang lạnh đầy ắp cá ngừ đại dương, tất cả đều được bắt tại vùng biển Trường Sa. “Suốt hành trình, mọi người đều ghi lại nhật ký khai thác, mở thiết bị giám sát hành trình. Chúng tôi tuân thủ phương châm "đi khai về trình", một lòng gỡ thẻ vàng IUU’, ông Trương nói.