Thực hiện quy định gỡ 'thẻ vàng' IUU phát sinh bất cập từ thực tế triển khai Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình gỡ "thẻ vàng" IUU tại Cà Mau, Kiên Giang |
Chiều ngày 28/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác lãnh đạo, chỉ đạo Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (Chống khai thác IUU) của Ủy ban châu Âu (EC); Phòng chống tội phạm, ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu lớn lao nhất từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam là không để một tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU, “thẻ đỏ” IUU đối với 28 quốc gia, trong đó 14 quốc gia đã gỡ được “thẻ vàng”, 14 quốc gia còn lại có 5 quốc gia bị “thẻ đỏ”; 9 quốc gia bị “thẻ vàng” (trong đó có Việt Nam).
Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU. Trong khi đó nếu bị “thẻ đỏ”, EC sẽ cấm toàn bộ hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Đối với Việt Nam, chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ đón đoàn của EC lần thứ tư đến thanh tra, kiểm tra công tác Chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Để sớm tháo gỡ “thẻ vàng”, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã có những bước đi quyết liệt, mạnh mẽ nhằm hoàn thiện khung pháp lý phục vụ việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chống IUU.
Các địa phương thành lập Ban chỉ đạo chống IUU cấp tỉnh nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, công tác chống IUU vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của EU do còn tồn tại hạn chế như: Chưa quản lý được hết các đội tàu; công tác truy xuất nguồn gốc có tiến bộ trong thời gian gần đây, lượng hàng EU trả lại thấp, nhưng còn tình trạng một số doanh nghiệp hợp thức hóa hồ sơ.
Các lực lượng tăng cường kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính nhưng tỉ lệ còn thấp, còn diễn ra tình trạng tắt thiết bị hành trình quá 10 ngày.
Đặc biệt, phía EU cảnh báo nếu còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì khó gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam.
Việc đánh bắt cá ở vùng biển nước khác dẫn đến còn hơn 300 ngư dân đang bị nước ngoài giam giữ, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình ngư dân mà còn làm suy giảm vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Quan trọng hơn, toàn ngành thủy sản của Việt Nam đứng trước thách thức nghiêm trọng là thị trường xuất khẩu thủy sản bị thu hẹp nếu thời hạn áp dụng “thẻ vàng” kéo dài, thậm chí là “thẻ đỏ” nếu vẫn tiếp tục có vi phạm, và nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp tương tự như của EC.
Qua thực tiễn kiểm tra của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Cà Mau và Kiên Giang trong những ngày qua cho thấy đội tàu còn lớn trong khi hạ tầng cảng cá còn khiêm tốn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quản lý tàu cá; ngư trường thủy sản giảm sút đáng kể, nên sản lượng khai thác chủ yếu là cá nhỏ, giá trị kinh tế thấp; việc tiếp cận vốn ngân hàng còn rất khó khăn do lãi suất cao, khiến việc chuyển đổi nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn; lực lượng chức năng còn mỏng, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; còn tình trạng tháo dỡ thiết bị hành trình gửi sang tàu cá khác hoặc tắt thiết bị hành trình…
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dỡ bỏ hay không phụ thuộc rất lớn từ chính ý thức, trách nhiệm của mỗi chính quyền địa phương có biển và các ngư dân tham gia khai thác hải sản.
Đoàn kiểm tra của EC sắp tới là Đoàn kiểm tra cuối cùng của nhiệm kỳ châu Âu hiện tại, do đó nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có thể phải mất 2 - 3 năm nữa Việt Nam mới có cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU.
Vì thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu lớn lao nhất từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam là không để một tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. Đây là nhiệm vụ rất khó nhưng nếu không làm được thì phải chờ ít nhất 2 năm nữa mới có cơ hội gỡ “thẻ vàng”.
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 42 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 26 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7 này.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất tàu cá của địa phương mình; phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra khởi tố một số vụ việc để nâng cao tính răn đe; mạnh tay trong xử lý hành chính, dù việc này rất đau xót nhưng nếu càng nương nhẹ thì càng khó gỡ được thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản bị tắc nghẽn, cuộc sống của ngư dân vì thế còn gian nan hơn nữa.
Về lâu dài, các địa phương phải có biện pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản với sự trợ giúp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thời tăng cường trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong vấn đề này.
Các địa phải từng bước hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề - một nhiệm vụ rất gian nan, khó khăn do tập quán của ngư dân và do khó trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng - nhưng nếu không bắt tay vào làm thì không bao giờ có chuyển biến, Phó Thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ và các bộ, ngành sẽ cùng đồng hành với các địa phương trong việc tìm kiếm nguồn, bao gồm cả vốn ODA để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Trước đó, ngày 26/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi khảo sát tình hình chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo, không theo quy định tại tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.