1ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon
Canh tác lúa bền vững và thân thiện với môi trường
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long" chính thức khởi động.
Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long" chính thức khởi động |
Tại Cần Thơ, cánh đồng lúa giảm phát thải thí điểm quy trình canh tác của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chính thức được gieo trồng trong vụ hè thu 2024 tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 50ha. Giống lúa OM5451 được lựa chọn để gieo sạ với lượng giống 60 kg/ha. Trên cánh đồng lúa giảm phát thải được lắp đặt thiết bị cảm biến để giám sát mực nước, kết hợp với các thành phần khác để tính trực tiếp ra hệ số phát thải khí nhà kính.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Tiến - đánh giá, các thành viên HTX đủ năng lực để thực hiện theo quy trình đề án đưa ra. Đồng thời kỳ vọng, từ cánh đồng giảm phát thải thí điểm này, sẽ giúp thành viên HTX nhân rộng ra 100% diện tích.
Đại diện IRRI đánh giá, cánh đồng giảm phát thải này đã đảm bảo các tiêu chí đề ra trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Tăng chất lượng, hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính.
Ở đồng bằng sông Cửu Long có 12 tỉnh, thành phố tham gia đề án. Cần Thơ là một trong 5 địa phương thực hiện thí điểm mô hình lúa tín chỉ carbon (50 - 100ha/mô hình) trong vụ Hè Thu này. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, rất có lợi thế để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa. Hiện Đồng Tháp đã đăng ký tham gia đề án với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đến năm 2025 là 70.000ha và đến năm 2030 là 163.000ha.
Nông dân không chỉ thu được gạo mà còn có cơ hội bán tín chỉ carbon
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với diện tích 1 triệu ha theo đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD. Đó là chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.
Điều đáng nói, nông dân không chỉ thu được gạo mà còn có cơ hội bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thiết bị cảm biến để giám sát mực nước, kết hợp với các thành phần khác để tính trực tiếp ra hệ số phát thải khí nhà kính được lắp đặt trên cánh đồng lúa. Ảnh: Kim Anh/NNVN |
Theo ông Cao Thăng Bình - Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), quan điểm của WB là giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt nhưng đón đầu cơ hội trong tương lai.
Trước đây, khi thực hiện dự án VnSAT, vấn đề giảm phát thải đã được đề cập mặc dù chưa nhiều. Đến Đề án 1 triệu ha lúa đã đặt thành một trong những mục tiêu chính. Điều này chứng tỏ Việt Nam đi trước thế giới, là quốc gia đầu tiên làm dự án này, có cơ hội đón những nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, bởi vấn đề giảm phát thải đang được quan tâm.
Ông Cao Thăng Bình cũng khẳng định, WB mong muốn Việt Nam sẽ tiên phong về giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới. Do đó, WB sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các bước tiếp theo trong đề án này.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nằm trong chiến lược mà doanh nghiệp này đeo đuổi hơn 10 năm qua.
Theo ông Bình, Việt Nam dù là quốc gia có thế mạnh về lúa gạo, nhưng với xu thế biến đổi khí hậu, diện tích trồng cây lương thực ngày càng giảm và gạo trở thành một trong những mặt hàng khan hiếm, giá cả tăng cao. Trong khi đó, giá lúa gạo Việt Nam hiện rất bấp bênh.
Do đó, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ngoài vấn đề trồng lúa thân thiện với môi trường, còn đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Việt Nam. Chủ thể chính của đề án được ông Bình xác định là HTX và doanh nghiệp.
Cũng theo ông Bình, muốn dán nhãn carbon thấp lên bao gạo, ít nhất trên cánh đồng đó phải giảm khí phát thải, đo đếm được tín chỉ carbon. Doanh nghiệp và HTX phải cùng nhau tham gia, nếu không sẽ không ai có thể làm được. Đồng thời, mong muốn được tiếp cận với nguồn lực về chính sách tín dụng để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khi tham gia đề án.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc hình thành 1 triệu ha vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững, nâng cao hiệu quả thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đặc biệt, các biện pháp canh tác bền vững sẽ góp phần giảm thải carbon trước những thách thức về biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.
Từ năm 2024 bắt đầu triển khai trên diện tích 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000 - 500.000ha. Ở giai đoạn 2026 - 2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.
Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ rõ, cần 237 triệu USD đầu tư vào hệ thống công trình thủy lợi nội đồng phục vụ tưới ngập khô xen kẽ; các công trình giao thông kết nối các khu sản xuất lúa cần 190 triệu USD; hệ thống logistics cho chuỗi giá trị lúa gạo cần 9 triệu USD; cần 68 triệu USD cho cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa và các hạng mục khác.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đề xuất Dự án Cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao, được đo bằng các chỉ số như: tăng năng suất, tăng thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính, thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến trình Chính phủ cho phép xây dựng dự án vay vốn từ WB để hỗ trợ thực hiện đề án theo cơ chế đặc thù. Theo dự thảo, tổng nhu cầu vốn đầu tư dự án ước khoảng gần 11.800 tỷ đồng. Trong đó, dự tính vay WB khoảng 360 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng); vốn đối ứng trong nước hơn 112 triệu USD; vốn khác 68 triệu USD.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, WB đã cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn. Tính ra, 1ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. Với vùng chuyên canh lúa chất lượng cao 1 triệu ha ở đồng bằng sông Cửu Long khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD/năm.