Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam qua công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền |
Sáng 19/11, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BTC |
Hội nghị rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 1252 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đồng chủ trì.
Về đại biểu các cơ quan Trung ương, có đại diện các bộ, ngành như: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Về đại biểu địa phương có: Đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền TP. Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang; đại diện Sở Tư pháp các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh; đại diện của Văn phòng Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án, Hội Luật gia, Hội phụ nữ và Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Nam.
Ông Nguyễn Hữu Huyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp - cho biết: Công ước ICCPR là điều ước quốc tế quy định về các quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Chính vì vậy, đây là công ước có nội dung rộng, mà việc hiểu đúng và thực thi từng quy định luôn là thách thức đối với tất cả các quốc gia, trong đó, có Việt Nam. Trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết 27 về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục tiêu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, trong đó, có nhiệm vụ nội luật hóa các Điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, hoàn thiện cơ chế và nâng cao năng lực của các cơ quan, thực hiện hiệu quả các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Việc triển khai Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân trên thực tế, cũng là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định, đóng góp vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 27”- ông Huyên nhấn mạnh.
Theo Bộ Tư pháp, trên cơ sở Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị giai đoạn 2002 - 9/2017, tại kỳ họp lần thứ 125, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân quyền Liêp hợp quốc đã ban hành Bản khuyến nghị về Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ ba tại Việt Nam. Để triển khai hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền cũng như Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp đã phối hợp các Bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Quyết định số 1252/QĐ-TTg).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BTC |
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ - khẳng định: Công ước ICCPR là một trong 2 công ước cốt lõi trong hệ thống điều ước quốc tế về quyền con người, cùng với Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới hợp thành Bộ luật Nhân quyền quốc tế. Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc thực thi các nghĩa vụ theo Công ước và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ nhất qua việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 9/2024 đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR), ghi nhận nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị. Điều này thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
“Việc tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Chỉ đạo Nhân quyền nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng với cương vị đơn vị chủ trì việc thực thi Công ước và xây dựng Báo cáo quốc gia để bảo vệ trước Ủy ban Nhân quyền trong năm 2025 tới đây”- Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ cho hay.
Trong bối cảnh Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR lần thứ 4 dự kiến vào tháng 7/2025, hội nghị là dịp Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các nội dung phục vụ cho phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định 1252, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Công ước tại chu kỳ tiếp theo. Hội nghị cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các góc nhìn khác nhau để giúp Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR trong thời gian tới. |