Bình Định: Doanh nghiệp quay lại hoạt động ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng Bình Định cần phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt |
Dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chiếm ưu thế
Ông Nguyễn Bay – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định thu hút mới 14 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6.336 tỷ đồng, thực hiện tăng vốn cho 02 dự án với tổng vốn thực hiện tăng 2.710 tỷ đồng.
Các dự án này đều là các dự án có vốn đầu tư trong nước, trong đó có 04 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng; 07 dự án trong cụm công nghiệp với tổng vốn vốn đầu tư hơn 544 tỷ đồng; 03 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Có 08 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 03 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và 03 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, hạ tầng. Trong đó, huyện Phù Cát có 02 dự án, huyện Tây Sơn có 03 dự án, thị xã Hoài Nhơn 03 dự án; huyện Tuy Phước và huyện Vân Canh, mỗi địa bàn có 01 dự án. Trong khu kinh tế, khu công nghiệp 04 dự án.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao Quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư |
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay tại tỉnh Bình Định chưa phát sinh dự án mới. Lũy kế, cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản, Singapore và Hồng Kông là đối tác có số dự án đầu tư nhiều nhất. Cụ thể Nhật Bản là 18 dự án, vốn đăng ký đầu tư 89,45 triệu USD, theo sau là Singapore (15 dự án, 139,48 triệu USD), Hồng Kông (10 dự án, 91,19 triệu USD)…
Về hoạt động phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay có 139 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.120 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 19,6% về số doanh nghiệp và tăng 33,1% về vốn đăng ký.
Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư
Tại phiên thảo luận chuyên đề, gặp gỡ doanh nghiệp tại Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ vào mới đây, lãnh đạo các sở, ban ngành đã đưa ra nhiều lợi thế nổi bật của Bình Định để nhà đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu và mở rộng hơn hoạt động đầu tư tại tỉnh.
Điển hình, Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 14.300 ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.960 ha.
Để tăng cường xúc tiến đầu tư hơn nữa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện tỉnh Bình Định đang thực hiện rà soát, bổ sung thêm các dự án mới vào Danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh cho giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, theo dõi, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất theo kế hoạch”.
Bình Định sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư |
Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư; đôn đốc các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án, nhất là các dự án đã đăng ký, cấp phép đầu tư. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư, nhất là Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, Khu liên hợp gang thép Long Sơn, các dự án năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch, khu vui chơi giải trí...
Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, mời gọi gọi, thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch. Đồng thời thực hiện rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ cam kết.
“Theo kế hoạch, trong 06 tháng đầu năm, tỉnh Bình Định sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia trọng điểm là Thái Lan, Đức, Hàn Quốc. Trung tâm xúc tiến đầu tư sẽ chi tiết từng Chương trình xúc tiến đầu tư”, ông Bay thông tin thêm.