5 tháng đầu năm có 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Tin hoạt động 06/06/2022 16:37
5 tháng đầu năm có 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Những tín hiệu đáng mừng của kinh tế Việt Nam với nhiều khởi sắc được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề cập trong phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, diễn ra ngày 4/6/2022.
Theo Bộ trưởng, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 5 tháng tăng 16,3%. Cho đến giờ này xuất siêu là trên 500 triệu USD. Lý do là trong thời gian vừa rồi doanh nghiệp trước đã dự báo nguồn cung nguyên nhiên liệu khó khăn nên đã tập trung nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI có sản lượng xuất khẩu lớn như Samsung và một số doanh nghiệp điện tử vì cầu của thế giới giảm rõ rệt cho nên chỉ số công nghiệp và xuất khẩu của khu vực FDI có giảm, tuy nhiên dự báo xuất siêu từ tháng 6 trở đi duy trì được đà này.
Có thể thấy, các ngành sản xuất có sự phục hồi nhanh hơn, tháng 5 chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam tăng 3 điểm phần trăm từ mức 51,7 trong tháng 4 lên mức 54,7 trong tháng 5. Sản lượng và số đơn hàng đều tăng, tồn kho thành phẩm giảm. Điều này đã phản ánh qua số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng liên tiếp trong 2 tháng vừa qua, tháng 4 tăng từ 1,4 % lên 4,4% tháng 5. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đã tăng hơn 20,8% trong khi khu vực FDI chỉ tăng 14,8% tuy nhiên giá trị tuyệt đối khu vực này vẫn chiếm gần 74%.
Sự phục hồi của khu vực kinh tế trong nước có tăng, 5 tháng đầu năm có 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD tăng 3 mặt hàng so với năm trước
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu mặt hàng tiêu dùng 5 tháng có tăng và duy trì tốc độ như trước thời điểm có dịch, liên tục trong mấy tháng qua liên tục tăng ở mức 2 con số.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất thương mại. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chí phí sản xuất, giá vận tải kho bãi, nguyên vật liệu, nhất là nhiên liệu chiến lược tăng rất cao.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù nhóm OPEC+ đã tuyên bố tăng sản lượng sản lượng mỗi ngày từ 600.000 đến 650.000 thùng nhưng sản lượng vẫn không đủ, cho nên xu hướng thế giới giá vẫn đang tăng.
Một số nhóm mặt hàng của doanh nghiệp FDI sản lượng và xuất khẩu đều giảm 10%, dự báo tháng 6 có thể vẫn giảm vì thị trường một số nước tiêu thụ lớn hàng điện tử có chỉ thị giảm nhập khẩu một số mặt hàng.
Các biện pháp phong toả, phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến sản xuất của Việt Nam, giảm nhu cầu hàng hoá cũng như giảm khả năng cung ứng nguyên liệu cho các ngành sản xuất, xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục mặc dù chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng không thể neo được khi giá thế giới tăng phi mã nên có thể tiếp tục xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường. Các loại thuế khác cũng cần cân nhắc vì nó liên quan đến chuyện thu ngân sách.
Mặt khác nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế mở, giá trị xuất khẩu có đến 74% thuộc doanh nghiệp FDI, nếu chúng ta kiềm chế đầu vào thái quá các đối tác thương mại sẽ không chấp nhận hiện tượng trợ giá không đúng cam kết quốc tế.
Trên thực tế có hiện tượng buôn lậu, xăng dầu của chúng ta đang chảy sang các nước xung quanh. Giá xăng dầu của chúng ta thấp hơn so với hầu hết các nước ASEAN, chỉ cao hơn Malaysia, công tác đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu cũng đang rất căng thẳng.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Về nhiệm vụ thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết hết sức chia sẻ với những khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp do giá xăng dầu tăng. Bộ trưởng đề nghị, trước hết tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là tạo thuận lợi hoá trong các thủ tục hành chính, tiếp tục thúc đẩy kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng khai thác tốt các FTA đã ký. Đặc biệt rà soát giảm các loại thuế nhập khẩu nhất là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, đồng thời xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 |
Đối với người dân, đặc biệt là những người yếu thế, dễ bị tổn thương, Bộ trưởng đề nghị có chính sách hỗ trợ. Chúng ta không trợ giá mà hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người dân mà không để ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng ta cũng như các đối tác thương mại...
Hai là, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hoá cơ bản, thiết yếu như xăng dầu, phân bón và điện. Bộ trưởng khẳng định nguồn cung xăng dầu sẽ không để xảy ra thiếu. Đến giờ này nhu cầu quý II khoảng 5,2 triệu mét khối, cả nước có 6,7 triệu khối.Trong đó nhà máy Nghi Sơn đã được chỉ đạo khắc phục những tồn tại để cung ứng sản lượng ra thị trường khoảng 1,8 triệu tấn, Bình Sơn là 1,9 triệu tấn. Nhập khẩu của chúng ta theo kế hoạch là 1,5 triệu tấn và tồn kho là 1,5 triệu tấn. Như vậy nhu cầu xăng dầu quý II không thiếu và quý III có gối đầu khoảng 1,5 triệu tấn.
Về điện, Bộ trưởng khẳng định trong năm 2022 không thiếu điện. Vừa rồi có một số đường dây truyền tải đã hoàn thành như mạch 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, đường dây 220 kV Thanh Hoá - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu cũng đã xong. Tuy nhiên trên một số địa phương mặt bằng cho đường dây truyền tải cũng đang còn khó khăn.
Về bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác này khá tốt.