Thứ trưởng Phan Thị Thắng gợi mở giải pháp cho ngành Công Thương khu vực phía Nam bứt phá tăng trưởng
Tin hoạt động 11/10/2024 14:44
Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ X năm 2024 Ngành Công Thương khu vực phía Nam: Kỳ vọng tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới |
Vẫn tồn tại những hạn chế
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định đây là những ý kiến rất xác đáng, phản ánh đúng hiện trạng phát triển ngành.
Thứ trưởng cũng nhận định, năm 2023 và 9 tháng năm 2024, các địa phương trong khu vực đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn tồn tại những hạn chế.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa cao; chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn ở mức khiêm tốn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Trần Đình |
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, tỷ giá đồng USD cao, chi phí logistics tăng... làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu; khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài
Sự phục hồi chậm của các nền kinh tế, cùng với suy giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, tình hình cung ứng và giá cả xăng, dầu từng lúc, từng nơi chưa thực sự ổn định,... ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi cung ứng. Đồng thời, do tác động của nhiều yếu tố khác nên chi phí sản xuất gia tăng làm tăng giá nhiều mặt hàng trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng, ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất một số ngành hàng chủ yếu là nhập khẩu, do đó khi biến động về giá cả và chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; hạ tầng phục vụ cho dịch vụ xuất khẩu chưa được đầu tư đúng theo quy hoạch và thiếu đồng bộ như dịch vụ chuỗi cung ứng logictics, kho hàng, bến cảng,... làm tăng chi phí, giá thành và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp, thành lập mới và việc thu hút đầu tư mới còn khó khăn. Một số dự án đầu tư vào cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa đạt.
Đổi mới công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số lĩnh vực, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian; hội nhập kinh tế- quốc tế, khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu và phát triển ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; công tác xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường, công tác phòng vệ thương mại cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tăng trưởng
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố, đặc biệt là Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung.
Cụ thể, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024, cụ thể hóa trong các chương trình hành động của Bộ Công Thương đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024. Ảnh: Trần Đình |
Chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tỉnh (nếu cần), bảo đảm phù hợp, liên thông với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời, rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch tỉnh, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo dư địa, động lực tăng trưởng mới.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi, đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các ngày lễ lớn. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại; phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.
Các địa phương trong vùng cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai thực thi các quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, nhất là tiềm năng khai thác logistics ở địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng cũng đặc biệt chỉ ra, các địa phương trong khu vực cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu nhằm tạo và giữ vững uy tín trên thị trường; xây dựng vùng nguyên liệu giúp giữ ổn định chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn cung; chú trọng hơn tới công tác phòng vệ thương mại.
"Về đề xuất tăng ngân sách cho công tác khuyến công, các địa phương cần làm rõ, nổi bật hơn sự thành công của công tác khuyến công trong việc hỗ trợ tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, mở rộng đầu ra và giải quyết việc làm cho người lao động để Chính phủ ghi nhận và chỉ đạo Bộ Tài chính tăng kinh phí”, Thứ trưởng nhấn mạnh.