Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G |
Ngày 17/12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức tọa đàm “5G đem đến cơ hội gì cho Việt Nam?”. Ông Nguyễn Việt Phú - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết: Đây là thời điểm Việt Nam chuẩn bị tiến lên 5G. 5G với kết nối tốc độ siêu tốc qua quá trình thử nghiệm tại Việt Nam cho thấy nhanh gấp 10 lần 4G hiện nay và có thể phục vụ rất nhiều cho kết nối điều khiển các thiết bị từ xa với độ trễ cực thấp như y tế từ xa, nhà máy thông minh.
5G hứa hẹn không chỉ có tốc độ Internet nhanh hơn trên các thiết bị di động mà còn hứa hẹn mang lại nhiều tiện ích cho đời sống hàng ngày. Cho đến thời điểm này, 5G đang được ứng dụng nhiều trong công nghệ thực tế ảo (VR) với trò chơi và ứng dụng tương tác khác của VR.
Tọa đàm “5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam?” |
Nhiều công ty công nghệ đã thử nghiệm 5G hỗ trợ điều khiển ô tô tự lái do độ trễ rất thấp. Nhờ có kết nối 5G, tất cả phương tiện lưu thông trên đường đều có thể “nói chuyện” với nhau có thể làm cho việc đi lại hiệu quả hơn và an toàn hơn. 5G còn được ứng dụng cho dịch vụ y tế từ xa. 5G sẽ cho phép bác sĩ thực hiện nhiều ca phẫu thuật cho bệnh nhân từ xa bằng việc điều khiển cánh tay robot với độ chính xác đến từng milimet, giúp phẫu thuật từ xa trở thành lựa chọn an toàn hơn.
5G cũng được kỳ vọng thể thay đổi hoàn toàn nhiều khía cạnh trong cuộc sống, cung cấp những cách trải nghiệm du lịch, cách giải trí mới và những phương pháp tiếp cận nhanh chóng để các bác sĩ cứu sống chúng ta... Đặc biệt, trong nhà máy thông minh, mạng 5G được dùng để kết nối không dây không cần cáp trong khi băng thông được tăng cường. Các loại máy móc và thiết bị có trang bị cảm biến sẽ được điều hành và giao tiếp nhau qua mạng 5G với độ trễ thấp cùng tính ổn định được đề cao.
5G là công nghệ phù hợp cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi nó có tốc độ truyền siêu tốc và độ trễ rất thấp, có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt trọng điều khiển các thiết bị IoT. Vì vậy, tất cả các quốc gia, các nhà mạng phải tận dụng cơ hội này và Việt Nam đã chủ động bước lên chuyến tàu 5G một cách mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: Tháng 11/2020, ba nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel đã đồng loạt công bố thử nghiệm thương mại dịch vụ mạng 5G. Hiện người sử dụng đã có quyền dùng dịch vụ này, có thể trải nghiệm các tính năng mà 4G không cung cấp được.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, nhất là doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam tham gia thị trường cung cấp thiết bị đầu cuối 5G. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh khi dự kiến tham gia đấu giá tần số 5G; dựa vào mô hình kinh doanh để dự kiến mức trả giá, chi phí sử dụng tài nguyên trong tương lai. Việc thử nghiệm thương mại giúp nhà mạng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sát thực tế hơn, người dùng trải nghiệm tính năng tốc độ cao.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Tích hợp hệ thống, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: 5G là điều kiện cần, tiên quyết để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh và hiệu quả tại Việt Nam. Nói nôm na như con người có xương cốt cơ bắp thì hạ tầng truyền thông 5G là như vậy. Nếu xương cốt cơ bắp không khỏe thì khó di chuyển, vận động, làm việc, tạo giá trị.
Ở góc độ doanh nghiệp, hiện VNPT đã tuyên bố thử nghiệm thương mại 5G tại cả 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Người dùng di động tại hai nơi này có thể trải nghiệm công nghệ 5G của VNPT trên các mẫu điện thoại hỗ trợ 5G mới nhất, cũng như các ứng dụng công nghệ hấp dẫn như AR/VR, điều khiển robot thông qua 5G.
Bên cạnh việc cung cấp mạng 5G tốc độ cao, VNPT còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ phong phú trên nền tảng mạng 5G bao gồm các dịch vụ dữ liệu di động băng thông rộng tăng cường như dịch vụ data tốc độ cao, video nội dung 4K/8K, FWA (ứng dụng truy cập vô tuyến cố định), video thực tế ảo VR và các dịch vụ yêu cầu độ trễ thấp như điều khiển robot.
Cùng với VNPT, MobiFone cũng tuyên bố thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12/2020. Để chuẩn bị cho việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại, MobiFone đã thực hiện đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối về mạng 5G hàng đầu trên thế giới nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho trải nghiệm của khách hàng. Dự kiến, MobiFone sẽ triển khai trên nền tảng 5G các dịch vụ Internet tốc độ cao, như Video 4K, 8K, các Game thực tế ảo AR/VR - AI learning, IoT service…
Trước đó, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng NodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế, trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng.
Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số… Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.