6 vấn đề lớn được mong đợi tại Hội nghị Bộ trưởng MC12 của WTO
Hội nghị Bộ trưởng MC12 diễn ra vào thời điểm mấu chốt quan trọng đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đối với thương mại toàn cầu. Cuộc họp, do Covid-19 bị trì hoãn hai lần, là cơ hội để WTO chứng minh rằng họ có thể ứng phó với những gì Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala đã mô tả là một "cuộc khủng hoảng đa dạng" về các thách thức kinh tế, sức khỏe, môi trường và an ninh. Dưới đây là những kết quả được mong đợi tại hội nghị lần này:
Một cuộc họp tại WTO |
Ứng phó với đại dịch: Bà Okonjo-Iweala đã nhấn mạnh sự bất bình đẳng về vắc xin Covid-19 và dành ưu tiên hàng đầu cho một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho việc cung cấp vắc xin rộng rãi hơn. Mặc dù nhu cầu về vắc xin Covid-19 đã giảm, Ấn Độ, Nam Phi và khoảng 100 nước ủng hộ khác đang tìm kiếm khả năng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin và phương pháp điều trị. Tuy nhiên, các thành viên WTO vẫn bất đồng về dự thảo thỏa thuận vắc xin được đàm phán giữa bốn bên chính (Ấn Độ, Nam Phi, Liên minh châu Âu và Mỹ) để phá vỡ bế tắc kéo dài 18 tháng.
Trợ cấp thủy sản: Các cuộc đàm phán riêng biệt nhằm loại bỏ các khoản trợ cấp góp phần vào việc đánh bắt quá mức, một bước mà các nhà môi trường cho rằng rất quan trọng để giúp trữ lượng cá phục hồi. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã diễn ra trong 20 năm và nỗ lực đạt được một thỏa thuận đã thất bại trong cuộc họp cấp bộ trưởng cuối cùng ở Buenos Aires vào năm 2017.
Phó Tổng giám đốc WTO Xiangchen Zhang cho biết, kết quả về thỏa thuận nghề cá sẽ là một "phép thử quan trọng" đối với uy tín của WTO. Chủ tịch Colombia Santiago Wills nói rằng, một thỏa thuận toàn cầu là "trong tầm tay" nhưng vẫn còn những khác biệt đáng kể, bao gồm lao động cưỡng bức và quy mô miễn trừ cho các nước đang phát triển, bao gồm quốc gia đánh cá hàng đầu thế giới Trung Quốc. Dự thảo thỏa thuận mới nhất từ tháng 11 năm ngoái bao gồm 26 vấn đề chưa được giải quyết. Ấn Độ là một trong những nước chỉ trích lớn nhất.
An ninh lương thực: Tổng giám đốc WTO Okonjo-Iweala đang tổ chức các cuộc tham vấn riêng với một nhóm các nền kinh tế chủ chốt nhằm mục đích ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực một phần do gián đoạn xuất khẩu từ các nhà xuất khẩu lúa mì lớn là Ukraine và Nga. Một lựa chọn về cái gọi là "tuyên bố cấp bộ trưởng" về việc chấm dứt thuế quan đối với việc vận chuyển thực phẩm nhân đạo theo đề xuất của Singapore, nhưng ngay cả điều này vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Một dự thảo thỏa thuận về các khía cạnh khác của chính sách nông nghiệp có thể được trình lên các bộ trưởng trước hội nghị, nhưng các nguồn tin cho biết vẫn còn những khoảng trống lớn trên các lĩnh vực chính, bao gồm cả hình thức và mức trợ cấp được phép.
Thương mại điện tử: Lệnh cấm đối với thuế nhập khẩu hay cái gọi là "đường truyền điện tử" trị giá hàng trăm tỷ đô la một năm đang được gia hạn. Lệnh cấm đã có từ năm 1998 nhưng Nam Phi và Ấn Độ đã đưa ra một đề xuất riêng để dỡ bỏ lệnh cấm. Trước đây, họ từng phản đối việc gia hạn, với lý do thất thu thuế hải quan, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết.
Cải cách WTO: Tất cả các thành viên WTO đều nói rằng bộ quy tắc của tổ chức cần được cập nhật, mặc dù họ không đồng ý về cách làm như vậy. Đáng chú ý nhất, tòa án phúc thẩm tranh chấp của WTO đã bị tê liệt trong gần hai năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn bổ nhiệm các thẩm phán mới, điều này đã dập tắt mong muốn tìm cách giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua WTO.
Bà Okonjo-Iweala hy vọng, các thành viên có thể thống nhất lộ trình cải cách thủ tục giải quyết tranh chấp tại cuộc họp MC12 tới. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng có rất ít điểm chung, với một số người chỉ muốn có những chỉnh sửa nhỏ và một số khác, chẳng hạn như Mỹ, đang tìm cách đại tu một hệ thống thương mại.
Môi trường: Các cuộc đàm phán bắt đầu vào năm 2020 và đang ở giai đoạn sơ bộ, nhưng một số chuyên gia cho rằng môi trường có khả năng mang lại cho WTO một sức sống và mục đích mới. New Zealand đã đệ trình đề xuất loại bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng hầu hết các đại biểu cho rằng điều này là quá tham vọng. Nếu một thỏa thuận về cắt giảm trợ cấp đánh bắt được đồng ý, điều đó có thể tạo động lực cho các nỗ lực môi trường.