7 tháng đầu năm, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 261.062 tỷ đồng
Thông tin gửi tới báo chí ngày 4/8, Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 7 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 60,62 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước (tương ứng giảm 4,45 tỷ USD).
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung |
Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% (tương ứng giảm 2,52 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 1,93 tỷ USD).
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 7 tháng/2022 ước tính đạt 431,95 tỷ USD, tăng 14,8%, tương ứng tăng 55,79 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 216,36 tỷ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 29,93 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% (tương ứng tăng 25,86 tỷ USD).
Như vậy, trong tháng 7 cả nước ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính đến hết 7 tháng/2022, cả nước ước tính xuất siêu 763,5 triệu USD.
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 34.474 tỷ đồng. Tổng thu 7 tháng đầu năm 2022 đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán được giao, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2021.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.
Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 01 - 03 giây.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp; tiếp tục triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa vận xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.
Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. "Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố" - đại diện Tổng cục Hải quan cho biết.