Chính sách Bảo hiểm tiền gửi - “tấm lá chắn” bảo vệ người gửi tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - 24 năm vun đắp giá trị cốt lõi |
Bảo hiểm tiền gửi là cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Là cơ quan chuyên trách triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi, 25 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Từ khung pháp lý ban đầu là Nghị định 89/1999/NĐ-CP, ngày 18/6/2012 Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13; tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Bảo hiểm tiền gửi là một trong số ít những lĩnh vực chính sách có một đạo luật riêng. Tiếp theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 và năm 2024 có những quy định mới về bảo hiểm tiền gửi; điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm sát sao của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. |
Kể từ khi thành lập đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn đồng hành cùng tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thông qua các hoạt động giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả tiền bảo hiểm. Cụ thể, tính đến tháng 9/2024, tổng số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là 1.278 tổ chức, bao gồm 96 Ngân hàng và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 1.177 quỹ tín dụng nhân dân, 01 Ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Trong suốt 25 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; thực hiện giám sát chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề; định kỳ hoàn thành báo cáo giám sát đối với tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi và báo cáo giám sát chuyên sâu quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề.
Song song, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tập trung nguồn lực, kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, chủ động xây dựng và hoàn thành tốt kế hoạch kiểm tra hàng năm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Từ năm 2019, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tham gia kiểm tra chuyên sâu đối với các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, kết quả kiểm tra được ghi nhận và đánh giá tốt.
Sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chi trả bảo hiểm cho 1.793 người người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với số tiền 26,78 tỷ đồng. Việc chi trả tiền bảo hiểm một cách chính xác, kịp thời đã thể hiện vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, góp phần quan trọng ổn định an ninh trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương.
Đồng thời, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã cử 80 cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt; cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi đối với quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Những hoạt động truyền thông của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thời gian qua ngày càng được thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đã và đang đóng góp tích cực trong việc nâng cao nhận thức của đông đảo người dân về chính sách bảo hiểm tiền gửi, tạo sự an tâm và tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trải qua 25 năm hoạt động, năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngày càng được nâng cao. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt trên 120 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt trên 115 nghìn tỷ đồng, là nguồn lực quan trọng để sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, các hoạt động thiết lập và tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới trong quá trình xây dựng và trưởng thành luôn được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chú trọng, nhằm học tập và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giữ vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế, đăng cai nhiều hội nghị quốc tế tại Việt Nam, từ đó nâng cao vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong cộng đồng bảo hiểm tiền gửi quốc tế.
Bước sang một giai đoạn phát triển mới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ phát huy những kết quả đã đạt được trong 25 năm vừa qua, nỗ lực để hoàn thành tốt hơn vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đóng góp tích cực hơn nữa vào đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng thông qua một số định hướng cụ thể:
Thứ nhất, chủ động tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Thứ hai, tập trung, chủ động tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu, lộ trình tại Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%; phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi.
Thứ ba, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Bước sang một trang mới trong lịch sử phát triển, phát huy những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, nhận thức thời cơ và thách thức, tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam quyết tâm đoàn kết, đồng sức đồng lòng phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trở thành tổ chức Bảo hiểm tiền gửi hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và lộ trình tại Chiến lược bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.