80% hàng nhập khó thông quan nhanh
- Phát biểu trong buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và quan chức hải quan TPHCM hôm 9-11 do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan TPHCM cho biết, khoảng 70-80% nhập khẩu đều bị điều chỉnh bởi một chính sách nào đó của nhà nước, tỷ lệ này ở hàng xuất khẩu là từ 10-20%.
Do đó, nếu doanh nghiệp không nắm rõ các chính sách của Việt Nam, như chính sách về chất lượng sản phẩm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm,... thì hàng hóa sẽ bị giữ lại cảng để kiểm tra. Nếu hồ sơ của doanh nghiệp nộp cho hải quan thiếu một trong các giấy tờ chứng nhận cho những nội dung trên, thì hải quan sẽ không tiến hành thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp mà yêu cầu bổ sung chứng từ đầy đủ, thay vì chỉ khai qua hải quan điện tử.
Cụ thể, hiện tại, qua hệ thống khai hải quan điện tử, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ được xếp vào luồng xanh (hàng hóa được thông quan ngay), luồng vàng (doanh nghiệp phải bổ sung và gửi giấy tờ cho hải quan thay vì chỉ khai hải quan điện tử), luồng đỏ (hàng hóa sẽ bị kiểm tra).
Theo ông Toản, một trong các tiêu chí để xếp hàng hóa của doanh nghiệp luồng nào là dựa trên tính rủi ro của hàng hóa. Tức là, hàng hóa bị áp thuế hải quan càng cao thì tính rủi ro càng cao. Do đó, nếu là hàng tiêu dùng thì chắc chắn không bao giờ được xếp vào luồng xanh vì hàng này bị áp nhiều quy định của các cơ quan ban ngành. Hay, những mặt hàng có tính rủi ro, như hàng phế liệu, thì sẽ bị xếp vào luồng đỏ để kiểm tra xem có gây hại môi trường hay không.
Nếu hàng hóa phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành, hay bị áp dụng các quy định về an toàn thực phẩm, hàng hóa phải kiểm dịch,... thì cũng xếp vào vàng đậm (tức, doanh nghiệp phải nộp bổ sung giấy tờ cho hải quan).
Hàng hóa nhập khẩu sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi đặc biệt thì chắc chắn hàng hóa bị xếp vào luồng vàng đậm, vì quy định hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải nộp C/O bản chính.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp đã từng bị lập biên bản do vi phạm pháp luật về hải quan thì hệ thống sẽ tự động đưa doanh nghiệp vào diện bị quản lý và xếp vào luồng đỏ.
Dù doanh nghiệp đã đáp ứng hết các tiêu chí trên, thì vẫn có một tiêu chí cuối cùng là lựa chọn ngẫu nhiên. Ví dụ, hàng hóa được hệ thống xếp luồng xanh liên tục trong một thời gian, thì đến một lúc nào đó sẽ có một lô hàng bị xếp vào luồng đỏ, để cơ quan hải quan kiểm tra xem việc xếp loại vào luồng xanh như bấy lâu nay có chính xác không. Nếu thực tế kiểm tra thấy doanh nghiệp không vi phạm, hệ thống sau đó sẽ tiếp tục xếp hàng hóa của doanh nghiệp vào luồng xanh. Tỷ lệ ngẫu nhiên này là khoảng 2%.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, vấn đề là phải làm sao thay đổi được các tiêu chí trên, nếu không thì xu hướng hàng hóa được xếp vào luồng xanh sẽ rất hiếm.
Theo trang web của Tổng cục Hải quan, thời gian thông quan trung bình của hàng hóa xếp vào luồng xanh từ 3-15 phút, luồng vàng từ 10-60 phút, luồng đỏ phụ thuộc thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa.
TBKTSG