Khi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được áp dụng, các ngân hàng (NH) sẽ không được cho vay quá 5% vốn điều lệ để đầu tư cổ phiếu và NH nào có nợ xấu trên 3% cũng không được triển khai nghiệp vụ này.
Như vậy, nếu NH nào không đạt chuẩn cho vay margin thì nguồn vốn từ đó sẽ "hụt", đồng nghĩa với việc CTCK gặp vấn đề với "đầu vào" (bởi thường CTCK sẽ vay tiền từ NH và cho khách hàng vay margin). Lúc này sẽ có 2 khả năng: các CTCK tìm "nhà cung cấp" (NH) mới hoặc tự tạo ra đầu vào.
Những NH có vốn lớn, nhưng lại chưa hết room cho vay margin sẽ có lợi thế để đẩy vốn ra thị trường thông qua "người nhà” (CTCK trực thuộc) hoặc "người ngoài" (CTCK khác). Ở đây, có thể nhắc đến những CTCK trực thuộc các NH lớn như BSC (thuộc BIDV) và VCBS (thuộc Vietcombank).
Cả BSC hay VCBS đều đã từng là những tên tuổi lớn trên thị trường nhưng đã có một thời gian chững lại để tái cấu trúc và trong vài năm gần đây đã bắt đầu tăng tốc trở lại. Như trong năm 2014, BSC đã xuất hiện tại một loạt các đợt cổ phần hóa, IPO lớn của Vinatex và Vietnam Airlines.
Nguồn vốn mà BIDV dành cho BSC hay VCB dành cho VCBS chắc là không thiếu. Và nếu trong năm 2015, các CTCK vừa nêu đẩy mạnh thị phần thì dòng vốn margin từ các kênh này sẽ khiến nhiều đối thủ phải dè chừng.
Lợi thế trong việc huy động vốn còn thuộc về những CTCK giữ thị phần lớn và có tên tuổi như SSI, HSC... Các đơn vị này sẽ có rất nhiều lựa chọn huy động vốn, từ vay NH cho đến phát hành cổ phiếu (CP), trái phiếu...
Việc các CTCK lớn vay NH hàng ngàn tỷ đồng không phải là quá khó, điển hình như trường hợp của HSC hồi tháng 10/2014 đã công bố kế hoạch vay 1.400 tỷ đồng từ các NH để làm vốn lưu động định mức. Hay trong những ngày cuối năm 2014, SSI cũng đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu với giá trị tối đa 1.500 tỷ đồng.
Với lợi thế của mình, tất nhiên các CTCK sẽ được NH ưu tiên cho vay với điều kiện tốt nhất. Trường hợp không sử dụng vốn vay, họ có thể chuyển hướng sang phát hành CP, trái phiếu. Nhiều lựa chọn, nên vấn đề của các CTCK này là sử dụng phương án nào tối ưu nhất mà thôi.
Với những CTCK có NH mẹ (nhưng không phải nhóm hàng đầu) đứng sau các quy định của Thông tư 36 thì đương nhiên sẽ phải siết lại, buộc các CTCK "con" phải đa dạng hóa đầu vào thay vì chỉ trông chờ vào NH mẹ. Khả năng nguồn vốn margin từ các CTCK nhóm này sẽ không còn "bốc" như trước mà phải cẩn trọng hơn là điều có thể dự báo.
Trong số những CTCK từ top giữa xuống dưới, cũng chỉ có một số cho thấy năng lực thực sự và có thể tính đến phát hành CP, còn lại sẽ gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, việc vay vốn NH để phục vụ cho margin với nhóm này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Về hình thức, các CTCK cung ứng margin tất nhiên cũng phải kiếm "hàng", tức là CP, để nhà đầu tư giao dịch. Đó cũng là lý do mà lâu nay, một số CTCK thường có những CP "ruột", nhà đầu tư muốn tìm hiểu thông tin về một số CP nhất định, và thậm chí được một mức margin cao hơn chỗ khác thì có thể có một số CTCK đáp ứng yêu cầu.
Đó cũng là lý do khiến một số CTCK nhỏ tồn tại được trong cuộc chiến margin. Theo đó, với một số CP mà các CTCK lớn cho là rủi ro, hạn chế margin, hoặc margin với tỷ lệ thấp thì CTCK có thể có cách hỗ trợ cho khách hàng sử dụng margin với tỷ lệ cao hơn.
Nếu xem khả năng tư vấn, "phím hàng" của các CTCK giống như hậu mãi, chăm sóc khách hàng thì lãi suất margin cũng tương tự như "giá bán" và trong yếu tố này cũng chứa đựng nhiều sự thú vị.
Có thể nói, nhìn vào mức lãi suất margin mà các CTCK đưa ra sẽ thấy được một cách tương đối rõ ràng vị thế cũng như chiến lược của CTCK. Với những CTCK tốp đầu, lãi suất margin thường được neo ở mức cao với khoảng 15%/năm và tốc độ giảm thường khá chậm.
Thường với những CTCK tốp đầu thì thương hiệu, tiện ích, quyền lợi đem lại cho khách hàng cũng ở mức cao nên mức lãi suất margin cao cũng là một cách khẳng định đẳng cấp của CTCK. Các CTCK này cũng không quá quan tâm đến những CTCK chọn lãi suất margin thấp hơn.
Tuy nhiên, margin với lãi suất thấp cũng đem lại không ít lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là những khách hàng lướt sóng với tần suất lớn. Đó là còn chưa kể đến những cổ phiếu được phán đoán là có hiện tượng "nuôi thanh khoản". Để duy trì thanh khoản ở mức cao, tất nhiên cần những nguồn vốn lớn, nhưng nếu vốn chưa lớn sẽ phải có trợ lực, mà ở đây chính là margin.
Như vậy, các CTCK trong tốp giữa và tốp dưới một mặt phải cạnh tranh gay gắt với nhau để có nguồn thu từ margin, nhưng mặt khác cũng phải nghĩ ra những chiêu để giữ khách hàng ở lại với mình, tránh việc bị các CTCK lớn hơn lấy mất và đây cũng có thể trở thành điểm nóng trong cuộc chiến margin trong năm 2015.