CôngThương - Nghịch lý này được ông nhắc đến trong bối cảnh của câu chuyện lớn hơn, đó là tình trạng ngày càng nhiều các doanh nghiệp FDI khai báo lỗ khi hoạt động tại Việt Nam. Nhìn xuống đại diện các cơ quản quản lý nhà nước có mặt trong hội nghị "Thường trực chính phủ làm việc với các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt" tổ chức đầu tuần này, Thủ tướng nói: "Lúc nào họ cũng kêu lỗ. Tình trạng các doanh nghiệp FDI kêu lỗ hàng chục năm nay chúng ta đã nói đến nhiều nhưng chưa khắc phục được."
Tình trạng khai báo lỗ, chuyển giá của các doanh nghiệp FDI đang làm các cơ quan quản lý đau đầu. Ít nhất, nó đã đặt ra những câu hỏi hoài nghi về khu vực kinh tế này, bất chấp nó đang mang lại vốn, công nghệ, kỹ năng, quản lý, ... đang rất cần cho Việt Nam. Cho dù chưa công bố những thống kê chính thức, những số liệu sơ bộ có vẻ đáng lo. Báo cáo với Ủy ban kinh tế của Quốc hội đầu tuần này, Thứ trưởng bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngành thuế đã nghe báo cáo lỗ lên tới 4.000 tỷ đồng dù mới kiểm tra 3.400 doanh nghiệp. Đó mới chỉ là kết quả sơ bộ mà cơ quan này xem xét trong năm 2010. Bênh cạnh đó, ông Anh Tuấn nhận xét thêm, nhiều doanh nghiệp FDI đã ngừng hay thu hẹp sản xuất để chuyển qua nhập khẩu hàng hóa để phân phối tại Việt Nam, làm gia tăng áp lực lên cán cân thương mại vốn đang mất cân đối trầm trọng.
Tình trạng này chẳng phải bàn. "Toyota sẽ thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam" - tít một bài báo được quan tâm gần đây - đã nói lên nhiều điều. Ông Akito Tachibana, tổng giám đôc công ty này tiết lộ sẽ nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe Yaris cho phục vụ khách hàng Việt Nam. Động thái kinh doanh nhập khẩu - phân phối của tập đoàn khổng lồ này ở thị trường này chỉ là một trong xu hướng mà ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI khác đang chuyển sang.
Một số cơ quan quản lý cấp địa phương, nhất là cục thuế ở TP. Hồ Chí Minh hay Đồng Nai đã từng lên tiếng rằng, có tới khoảng 60-70% doanh nghiệp FDI trên địa bàn báo lỗ. Nhiều quan chức ở Hà Nội cũng không lạ gì tình trạng này. Ông Nguyễn Văn Tiến, phó phòng Doanh nghiệp thuộc Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hà nội cho biết, nhiều doanh nghiệp FDI tại thủ đô nhập khẩu tới 93% nguyên liệu từ quốc gia họ để sản xuất tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4-7 năm đầu, song "đến thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là họ báo lỗ hết".
Công ty Deawoo Hanel ở khu công nghiệp Sài Đồng B ở Hà Nội, mà phía nước ngoài chiếm hơn 60% vốn, và phía Việt Nam hơn 30% vốn bằng góp đất là một ví dụ. Ông Tiến kể, công ty này khai lỗ liên tục từ khi thành lập hơn 10 năm trước. Ông nói: "Họ chưa bao giờ có lãi, mà lỗ nhiều hơn cả vốn pháp định đăng ký". Dù không có số liệu chính thức, sông ông nhận định, không ít doanh nghiệp FDI ở Hà Nội có cùng tình cảnh. "Điều cơ bản nhất là họ tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp. Lỗ thì làm gì mà phải nộp thuế nữa. Đây là vấn đề rất lớn," ông cảnh báo, và thừa nhận rằng, bản thân mình thấy nhưng bất lực dưới góc độ nhà quản lý liên quan.
Xét ở góc độ cạnh tranh, không ít doanh nghiệp nhà nước đang tỏ ra lo lắng. Những doanh nghiệp FDI vào làm ăn ở Việt Nam báo lỗ đều được hưởng lợi lớn từ chính sách năng lượng bao cấp như xăng dầu, điện và nhân công rẻ; và vì thế có đủ điều kiện để chèn ép doanh nghiệp nội địa. Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trên, đại diện tập đoàn dệt may Việt Nam cho phàn nàn, không ít doanh nghiệp FDI trong ngành đang khai lỗ để trốn thuế. Ông nói: "nhiều các doanh nghiệp FDI trong ngành dệt may vào khai thác lao động giá rẻ nhưng luôn báo lỗ. Đây là điều bất bình đẳng lớn. Chúng tôi đề nghị chính phủ quan tâm vấn đề bức bách này".
Liệu Bộ kế hoạch và Đầu tư xử lý vấn đề này như thế nào? Ít nhất, một thứ trưởng của bộ này là ông Đặng Huy Đông được nghe phóng viên tường thuật lại rằng, có đến 50-60% doanh nghiệp FDI được kiểm tra năm 2010 khai báo lỗ với tổng cục thuế. Ông Đông cho biết, bộ sẽ có một dự án hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu tổng thể bức tranh này. Quan chức này tự tin rằng, chỉ cần các cơ quan nhà nước xử lý điểm vài doanh nghiệp FDI cũng có thể có tác động dây chuyền. Ông nói: "Chúng tôi khá tự tin về việc này. Bây giờ là chưa quá muộn, nhưng phải bắt đầu với vấn đề doanh nghiệp FDI chuyển giá".
Ít nhất, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã bắt tay thực hiện điều này. Họ phát hiện nhiều doanh nghiệp từ Đài Loan báo cáo giá một cân chè xuất khẩu chỉ từ 2,8-4 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất phải từ 8-9 USD/kg. Những bước xử lý đầu tiên đã được thực hiện. Nhưng đó mới chỉ là những hành động ban đầu cả địa phương này, xét trên bình diện cả nước gần đây. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ vẻ cương quyết, khi ông yêu cầu Bộ tài chính và các bộ liên quan giải quyết tình trạng này "một cách quyết liệt" để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Song là người quản lý trực tiếp, ông Tiến còn nhiều ưu tư: " Hiện tượng thì đã thấy rõ, nhưng biện pháp khắc phục thì các cơ quan quản lý nhà nước mình chưa tìm ra. Làm sao khống chế được còn là vấn đề".