Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Các nước cung cấp gạo lớn nhất cho Algeria gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, Tadjikistan, Uruguay.
Về chính sách nhập khẩu, gạo được nhập vào Algeria một cách tự do. Tuy nhiên, do chưa phải là thành viên của WTO, ưu đãi thuế hải quan và thuế VAT ở mức thấp trừ đối với các nước có FTA với quốc gia Bắc Phi này.
Một số quy định về gạo nhập khẩu vào Algeria: Về chất lượng phải là loại gạo có 5% tấm trở xuống; bao bì phải kẻ mác bằng chữ Ả-rập và song song một ngôn ngữ khác mà người tiêu dùng có thể hiểu (thường là tiếng Pháp hoặc tiếng Anh).
Phương thức thanh toán gạo nhập khẩu: Algeria quy định các doanh nghiệp nhập khẩu áp dụng một trong 2 phương thức thanh toán là nhờ thu (D/P) và L/C.
Việc nhập khẩu gạo do các thương nhân tự do tiến hành, nhà nước chỉ quản lý bằng thuế. Phần lớn gạo được nhập vào Algeria thông qua trung gian tại châu Âu và một số nước Trung Đông. Theo ý kiến các nhà nhập khẩu thì việc nhập khẩu qua trung gian đảm bảo ổn định giá và nguồn hàng.
Về chủng loại, gạo nhập khẩu chủ yếu là loại gạo trắng, hạt dài, 5% tấm.
Về hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với mặt hàng gạo: Thuế hải quan là 5%; thuế VAT: 7%; thuế đối với ngũ cốc và rau xanh (TCLS): 150 DA/tấn (tương đương 1,5 USD/tấn).
Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Algeria và triển vọng
Trước đây gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại Algeria, thường chiếm trên 50% lượng gạo nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên từ năm 2014, xuất khẩu gạo sang Algeria đã giảm sút.
Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Algeria
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Nguyên nhân của việc giảm nhập khẩu này là do các nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Tadjikistan, đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá rẻ sang thị trường này. Mặt khác, Chính phủ Algeria ban hành chính sách siết chặt nhập khẩu trước việc nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ giảm mạnh, thâm hụt thương mại tăng.
Theo đánh giá, thị trường này vẫn còn triển vọng cho gạo Việt Nam do người dân Algeria đã quen với việc sử dụng gạo của ta. Mặt khác, lượng người lao động châu Á tại Algeria ngày càng đông, riêng số lao động của Việt Nam làm việc cho các nhà thầu Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp và Algeria đã lên tới hơn 4.000 người. Điều này sẽ góp phần làm tăng cầu về gạo tại thị trường này.