CôngThương - Tình hình kinh tế của các đối tác đầu tư vào Việt Nam, như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, được dự báo sẽ khả quan trong năm tới, và Việt Nam vẫn được xem là điểm đến đầu tư của họ, nhưng ấn tượng tốt về Việt Nam đang mất dần trong con mắt nhà đầu tư.
Tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư diễn ra vào chiều 27-12 tại Bình Dương, mười cán bộ xúc tiến đầu tư thuộc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ thông tin, cho thấy hai năm qua Việt Nam đang lộ rõ những yếu kém ảnh hưởng không nhỏ đến cảm tình của nhà đầu tư.
Theo ông Bùi Trọng Định, trợ lý chủ nhiệm, phụ trách đầu tư Văn Phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (Đài Loan), tình hình kinh tế của Đài Loan khá khả quan với tăng trưởng GDP trong năm 2010 dự kiến đạt 10%, mức cao nhất trong 11 năm qua. Và, điều đáng mừng là các hiệp hội đầu tư của Đài Loan đều đánh giá cao việc đầu tư vào Việt Nam và xem đây là điểm đến đầu tư; và một số nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế của Đài Loan đã có mặt tại Việt Nam, như tập đoàn Formosa, Chinphon, CT&D...
“Đa số nhà đầu tư đều cho biết sẽ sống chết cùng Việt Nam. Họ không những mở rộng hoạt động tại Việt Nam mà còn lôi kéo các doanh nghiệp khác vào. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút đầu tư thì Việt Nam phải tạo sự hấp dẫn và nâng cao tính cạnh tranh trong đầu tư”, ông Định phát biểu tại hội nghị.
Ông Định cho biết, trong hai năm gần đây, các nhà đầu tư Đài Loan bắt đầu nhận thấy kinh tế Việt Nam dù vẫn tăng trưởng, nhưng “chất lượng thì còn phải xem xét”. “Họ nói quản lý vĩ mô của Việt Nam chưa ổn định, lạm phát hai con số. Điều này làm ảnh hưởng mong muốn đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam”.
Các nhà đầu tư Đài Loan cũng phản ánh tình trạng thiếu công nhân có tay nghề cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư. Ông Định cho biết cố vấn của tập đoàn Chinphon (Đài Loan) nhận xét đây là điểm yếu mà hai năm gần đây diễn ra khá phổ biến khiến một số tập đoàn Đài Loan thay vì đầu tư vào Việt Nam lại phải chuyển sang đầu tư tại Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, dù bấy lâu nay Đài Loan luôn là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh từ nước khác. Trong tháng 6-2010, Đài Loan và Trung Quốc đại lục ký hiệp định hợp tác kinh tế. Theo đó, Trung Quốc đại lục mở 500 mặt hàng miễn thuế cho Đài Loan và ngược lại, Đài Loan miễn thuế cho từ 180 - 200 mặt hàng. Hiệp định thực chất nhằm tạo tự do về thương mại và tạo điểu kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, tham tán đầu tư thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc khá chặt chẽ, và có hơn 100.000 người Hàn Quốc đang làm ăn và sinh sống tại Việt Nam. “Do đó, họ cũng cũng nắm rõ điểm yếu của Việt Nam, ta không thể giấu được, ví dụ như việc mất điện, họ muốn biết hướng giải quyết của Việt Nam đối với vấn đề này”.
Nhà đầu tư Hàn Quốc cũng lo ngại về lao động. Bà Hiền cho biết, Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam và kéo theo nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ vào, nhưng hiện Việt Nam không đủ lao động cho những doanh nghiệp này. Dù bỏ chi phí để đào tạo, nhưng cũng không đủ lao động.
Theo bà Hiền, hiện chi phí tại Việt Nam nhìn chung rẻ hơn Trung Quốc, do đó các doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, tuy nhiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc thường nói miệng với nhau về những khó khăn tại Việt Nam, như nguồn cung điện và lao động. Do đó, việc này sẽ tạo thách thức lớn cho Việt Nam khi thu hút đầu tư từ Hàn Quốc.
Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng kêu gọi các địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư để có những hỗ trợ cụ thể đối với từng nhà đầu tư, bằng không các nhà đầu tư nước ngoài sẽ “chạy sạch”. Ông Hoàng cho biết, một lãnh đạo của Nokia từng cho biết rất muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng lại chần chừ sau khi biết được qui định hiện hành của Việt Nam không ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động.
SGTimes