Áp lực nghỉ Tết
Giá trị giao dịch của Hnx tụt xuống dưới 500 tỉ đồng/ngày và Hose xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/ngày. Với mức này, doanh thu phí môi giới của các công ty chứng khoán đã ở mức báo động, vì theo tính toán của chính họ, nếu giá trị giao dịch cả hai sàn cộng lại về khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày, họ sẽ lỗ mảng môi giới.
Thực ra thanh khoản chứng khoán đã có vấn đề kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực. Bốn công ty chứng khoán đã ngưng việc hỗ trợ tài chính ba bên giữa nhà đầu tư - ngân hàng - công ty chứng khoán do các tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định về cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không vượt quá 5% vốn điều lệ. Sự e ngại đang lan tỏa ngày một rộng, trong trường hợp thanh khoản thấp kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài dòng tiền thu hẹp, sự lo lắng của nhà đầu tư còn ở sự thiếu vắng các cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Mặc dù giá dầu thô đã phục hồi lên 50 đô la Mỹ/thùng, viễn cảnh “tươi sáng” của thứ hàng hóa này vẫn chưa quay lại và giới đầu tư vẫn chưa cảm thấy sức thuyết phục là đủ để giải ngân vào các cổ phiếu dầu khí. Cổ phiếu bất động sản đã “chìm nghỉm” ba tháng nay. Cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng không giữ được “lửa” cho thị trường.
Hiện tại mọi chú ý đang dồn vào cổ phiếu ngân hàng, cụ thể là ba “ông lớn” BID, CTG, VCB. Cổ phiếu các ngân hàng cổ phần hầu như chỉ “ăn theo” khi giá biến động trong biên độ rất hẹp và giẫm chân tại chỗ. Có lẽ do nguồn cung cổ phiếu ngân hàng “bao la”, nên nhà đầu tư cả nội và ngoại tập trung vốn vào một số chứng khoán nhất định.
Đi ngược lại trào lưu ngân hàng, một số nhóm cổ phiếu tiếp tục rơi sâu và đã ở vùng giá thấp nhất trong vòng một năm qua. Cổ phiếu thép là một thí dụ. VIS, POM, VGS, HSG, HPG đều đã giảm khoảng 30% so với giá đỉnh trong vòng ba tuần. Mức rơi của chúng khá đều đặn. Cả những doanh nghiệp làm ăn tốt như HPG và HSG cũng bị bán ra bất chấp kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu, cộng với số liệu thống kê cho thấy sức tiêu thụ các nguyên vật liệu xây dựng như gạch ngói, xi măng, sắt thép... đã tăng tương đối so với cùng kỳ.
Cổ phiếu ngành vận tải, nhất là vận tải biển, không giữ được sức hút một phần do câu chuyện giá xăng dầu giảm đã “nguội”. Những doanh nghiệp vận tải cả lớn và nhỏ như VOS, VTO, VIP, VNA, PVT, SKG, GSP, TJC... đều tận dụng cơ hội hiện tại để bán các tàu cũ và mua các tàu có độ tuổi trẻ hơn hoặc đầu tư đóng mới thêm tàu chở khách. Những công ty vận tải nội địa như TJC, PVT, GSP đã ký được hợp đồng kinh doanh ổn định cho cả năm 2015 với khách hàng lớn.
Năm nay được dự báo là một năm tiếp tục “ăn nên làm ra” đối với các doanh nghiệp điện, cả thủy điện và nhiệt điện, nhưng cổ phiếu điện lại đang trong quá trình điều chỉnh mạnh. NT2, PPC, VSH, SHP... đang ở vùng giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung, dài hạn. Quí 4-2014 nhờ mực nước các sông cao, các nhà máy thủy điện đều chạy hết công suất. Chưa kể những đơn vị có khoản tín dụng bằng đồng yen và euro đang được hưởng lợi do tỷ giá các ngoại tệ so với đô la Mỹ biến động.
Nhìn về tương lai cho năm con Dê, các chuyên gia kinh tế dự báo có thể VN-Index sẽ đạt 650 điểm vào cuối năm. Cơ sở cho dự báo này là các chỉ số vĩ mô đang trên đà được cải thiện và sự suy giảm giá của các nguyên liệu đầu vào, nhất là dầu thô, sẽ giúp Việt Nam giảm bớt nhập siêu, đồng thời làm giá thành đầu vào sản phẩm cạnh tranh hơn. Riêng trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính cam kết năm nay sẽ giải quyết dứt điểm việc nới room, hợp nhất hai sở, đẩy mạnh tái cơ cấu các công ty chứng khoán và nhất là kiểm soát các “đội lái” cũng như các hoạt động có tính nội gián.