Cạnh tranh bình đẳng
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thu thuế CBPG, CTC tạm thời đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ NK đường tinh luyện, đường trắng sang NK đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý 2/2021.
Ngành mía đường Việt Nam cần một chiến lược đầu tư đúng đắn vào công nghệ để "chuyển mình" phát triển bền vững. Ảnh: N.Thanh |
Xung quanh câu chuyện áp thuế CBPG, CTC đường Thái Lan, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trước đây, Hiệp hội Mía đường đề xuất mức thuế CBPG với đường Thái Lan là 38%. Mức đó được đưa ra dựa theo cách tính biên độ phá giá của WTO với những dữ liệu mà hiệp hội có. Đối với Bộ Công Thương, quá trình điều tra dựa trên nguồn độc lập. Mức thuế tạm thời 33,88% với đường thô mà Bộ Công Thương đưa hiện nay là hợp lý.
Ông Lộc phân tích, cách đây 5 năm, một số nhà máy đã đầu tư rất mạnh vào máy móc để nâng công suất. Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất, đường lậu tràn vào Việt Nam quá nhiều làm diện tích mía giảm dần. Đáng chú ý, khi Việt Nam thực thi cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường (từ ngày 1/1/2020-PV), đường NK tràn vào càng nhiều dẫn đến các nhà máy chỉ hoạt động một nửa công suất. Số lượng nhà máy cũng giảm dần so với trước đây.
Những năm vừa qua, các nhà máy chịu lỗ vì giá đường quá thấp, không đủ trang trải tiền mía. Nhiều hộ dân cũng rời bỏ cây mía. Năm ngoái, sản lượng mía đạt 750.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay, do giá thấp, nhiều hộ bỏ vườn nên sản lượng dự kiến chỉ đạt trên dưới 700.000 tấn. Lượng mía này đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu của các nhà máy còn lại là khoảng 1,8 triệu tấn. Do đó, năm nay, Việt Nam vẫn sẽ phải NK khoảng 1 triệu tấn đường các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước.
"Vừa qua một số nhà máy đã tăng giá mía. Vì vậy, khi có quyết định áp thuế CBPG, CTC tạm thời đối với đường Thái Lan, các nhà máy rất mừng. Nếu không có quyết định này, giá đường sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp. Mức chênh lệch giá đường nội địa so với đường Thái Lan khá tương đồng với mức thuế mà Bộ Công Thương đưa ra. Do đó, quyết định này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thời gian tới", ông Lộc nhấn mạnh.
Đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm
Đề cập sâu hơn về tính cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam so với các nước trong khu vực, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhấn mạnh thêm, hiện nay, ngành đường Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Trước đây, diện tích trồng mía của Việt Nam 300.000 ha, chỉ đứng sau Thái Lan. Năng suất cũng ngang ngửa nước này và bỏ xa các nước như Indonesia, Philippines. Nếu xét trên phương diện bình đẳng, Việt Nam hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh một cách minh bạch. "Với công cụ phòng vệ thương mại hiện nay, ngành đường Việt Nam đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan. Lần này, nếu đường Việt Nam có thua đường Thái Lan ở sân nhà thì cũng chấp nhận", ông Lộc nói.
Một số chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, thuế CBPG, CTC giúp mía đường Việt Nam vượt qua các khó khăn ngắn hạn về phá giá, nhập lậu, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên về dài lâu, để mía đường Việt Nam có thể "chuyển mình", phát triển mạnh mẽ cần nghiêm túc tính toán chuyện đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, canh tác…
Ở góc độ này, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân tích, một số vấn đề chính mà ngành mía đường đang phải đương đầu gồm: Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống khiến nông dân không còn mặn mà; canh tác nhỏ lẻ, manh mún, quá trình sản xuất chưa được cơ giới hoá nên khả năng khai thác còn yếu. "Chúng ta cần một chiến lược đầu tư đúng đắn vào công nghệ", ông Nam nói.
Đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng từ cây mía cũng là giải pháp quan trọng không ít lần được các chuyên gia đề cập tới. Tham khảo từ Thái Lan, trong bối cảnh XK khó khăn cùng khủng hoảng y tế trong đại dịch, nhiều nhà máy của Thái Lan đã chuyển đổi một phần chức năng sang sản xuất ethanol trong nước rửa tay và cồn sát khuẩn.
Trong khi đó tại Việt Nam, các DN vẫn chưa tận dụng hết được các phụ phẩm từ cây mía. 4 triệu tấn bã mía hiện nay chỉ dùng để đốt phát điện, chưa được khai thác triệt để sản xuất bột giấy hay bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường; 0,7 triệu tấn mật rỉ phần lớn dùng làm thức ăn gia súc và khoảng nửa triệu tấn bã bùn cũng đang bị lãng phí.
Nói như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thì, nếu nhà máy sản xuất đường được trang bị công nghệ cao, công suất tốt thì có thể tập hợp các nhóm trên thành sản phẩm có giá trị, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho cây mía cũng như củng cố thu nhập cho người nông dân.