Áp thuế VAT 5% với phân bón: Lợi ích tổng thể của nền kinh tế
Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT - sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh (Ảnh:QH) |
Để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ đề nghị áp thuế VAT 5% với phân bón như dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7...
Lợi ích tổng thể của nền kinh tế
Thời gian qua, các doanh nghiệp phân bón Việt Nam liên tiếp kiến nghị việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), bởi khi mặt hàng này được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, từ đó có nhiều dư địa để giảm giá thành sản phẩm; thu hút đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã cho thấy, từ ngày áp dụng chính sách đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện không chịu thuế vào năm 2014 đã gây bất lợi rất lớn cho ngành sản xuất phân bón trong nước suốt nhiều năm qua.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp (Ảnh tư liệu: QH) |
Theo đại biểu, do thuế VAT đầu vào các doanh nghiệp không được khấu trừ phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả khoản thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định dẫn đến giá thành sản xuất trong nước tăng cao không thể cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu dẫn đến sự không công bằng những sản phẩm phân bón sản xuất trong nước. "Ngành hàng phân bón đang thuộc loại hình bình ổn giá nên nếu giá phân bón có tăng như phát biểu của các đại biểu khác thì quỹ bình ổn giá sẽ chi ra, bảo đảm giá phân bón không tăng cao như thời gian vừa qua", ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp phân bón không được hoàn thuế VAT đầu vào không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới, hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế. Đặc biệt, trong giai đoạn cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015 - 2020 (trước thời điểm dịch Covid-19), các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, có nguy cơ phá sản.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển |
Bảo lưu quan điểm đưa mặt hàng phân bón về diện chịu thuế VAT sẽ có lợi cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết khi tính giá phải theo nguyên tắc của Bộ Tài chính, không phải cứ áp dụng thuế 5% là giá sẽ tăng lên tương ứng như vậy. Việc áp dụng thuế VAT 5% chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu, làm việc cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu bình đẳng hơn, từ đó có cơ hội giảm giá bán phân bón tới người dân.
Thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón: Nông dân cũng được hưởng lợi
Bàn về vấn đề này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) cũng cho rằng, có thể yên tâm về sự thay đổi này so với luật hiện hành. "Việc áp thuế 5% đối với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Đồng thời, các báo cáo đánh giá còn cho thấy năng lực sản xuất phân bón rất lớn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, tỷ trọng phân bón nhập khẩu so với sản xuất trong nước chỉ chiếm 27%, nếu áp dụng thuế suất 5%, nhập khẩu vào cũng chịu 5% và cũng chịu sự điều tiết chung với phân bón trong nước."
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển |
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh: Việc áp thuế VAT đối với phân bón không chỉ có lợi với các doanh nghiệp trong nước mà còn có lợi với người nông dân. Bởi, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, hướng tới tự chủ, tự lập, tự cường nhưng trước dự báo làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập thị trường, đại biểu lo ngại các loại hàng hoá quan trọng như phân bón, thuốc thú y, thức ăn gia súc, dược phẩm... khi bị thuộc lớn sẽ có nguy cơ không tồn tại được.
Do đó, phải nhìn nhận lại các chính sách thuế để khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hoá cho các ngành công nghiệp, "khi tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng"- đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu tán thành với những ý kiến của các đại biểu ủng hộ, thông cảm với người nông dân, "tuy nhiên, nhưng chúng ta đừng quên doanh nghiệp là nơi hàng triệu lao động, giai cấp công nhân đang làm việc ở đó và nếu như họ không sống được, họ phá sản thì các công nhân này sẽ như thế nào", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển |
Chia sẻ của một đại biểu bên lề họp tổ chiều 29/10 cho biết: Trước đây khi áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015 (Luật Thuế 71). Điều này vô hình là nguyên nhân khiến ngành phân bón gặp khó khăn hơn cả khi chịu thuế giá trị gia tăng kể từ sau năm 2014.
Thực tế đã chứng minh việc bỏ thuế giá trị gia tăng với phân bón nảy sinh nhiều bất cập, cụ thể khi mua nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ đầu vào, các doanh nghiệp đã phải nộp thuế giá trị gia tăng, tuy nhiên, khi không áp thuế, phân bón đầu ra không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã nộp ở đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất khiến giá phân bón cao hơn.
"Người nông dân là đối tượng tiêu thụ cuối cùng, chính là người chịu thiệt, phải chịu mức giá cao hơn trước. Từ khi áp dụng Luật Thuế 71 đến nay, giá phân bón đã tăng đến 30%" - vị đại biểu này cho biết và khẳng định, nguyên nhân là khi phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng khiến doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế, họ đã cộng tiền đó vào giá thành mặt hàng bán ra. Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào khan hiếm, chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới sau chiến tranh Nga-Ukraine, giá phân bón tiếp tục tăng thêm.