Trăn trở của những người đại diện cho nông dân
Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi đã được đưa ra thảo luận tại hội trường vào ngày 29/10/2024, trong đó, nội dung sửa đổi về thuế suất đối với mặt hàng phân bón là một nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho ý kiến. Vẫn còn ý kiến cho rằng, nếu điều chỉnh áp thuế suất VAT 5%, người nông dân chịu ảnh hưởng bởi giá thành tăng.
Phân bón là đầu vào không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: N.H) |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau - cho hay, hiện nay, nông dân vẫn còn khó khăn do chi phí vật tư đầu vào khá là cao. Mặc dù sản xuất có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận chưa tương xứng công sức người nông dân bỏ ra.
Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi cũng tập huấn hướng dẫn bà con để sản xuất “3 giảm – 3 tăng” để tiết kiệm tối đa kinh phí nhằm bù vào giá vật tư chi phí tăng cao.
Quay trở lại thuế phân bón, ông Phan Hoàng Vũ cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ có nhiều công cụ và phương tiện chứ không nhất thiết phải thông qua công cụ thuế. Đồng thời kiến nghị Quốc hội làm thế nào để giảm chi phí đầu vào cho người dân.
Theo bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cần Thơ, nông dân luôn phải đối mặt với chi phí sản xuất đầu vào cao, giá cả đầu ra không ổn định, tiêu thụ bấp bênh. Mặt khác, trong quá trình sản xuất, nông dân có thể gặp rủi ro bởi thời tiết thiên tai, có khi được mùa lại rớt giá. Vì vậy, cần ưu tiên tới nông dân nhiều hơn vì họ là lực lượng sản xuất nông nghiệp chính.
Áp thuế thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân lo lắng giá phân bón sẽ tăng lên. Nhưng ở góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, lãnh đạo Đảng và Nhà nước có bộ phận tham mưu, phân tích chuỗi giá trị gia tăng, phân tích về những mặt lợi và bất lợi đối với nông dân và doanh nghiệp khi thay đổi chính sách thuế VAT với mặt hàng phân bón.
Còn với người nông dân, mong muốn lớn nhất của họ là giá phân bón giảm và ổn định để người nông dân được hưởng lợi khi sản xuất. Nông dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự điều hành của Chính phủ với mục đích hướng về nông dân.
"Trong trường hợp nếu áp thuế VAT với mặt hàng phân bón ở mức 5%, rõ ràng, doanh nghiệp sẽ là người được hưởng lợi từ việc giảm giá thành, chúng tôi cũng kỳ vọng doanh nghiệp qua đó sẽ chia sẻ một phần lợi nhuận đến người nông dân thông qua việc giữ hoặc giảm giá bán, để nông dân được yên tâm sản xuất. Khi đó, cả nông dân và doanh nghiệp cùng phát triển" - bà Trần Thị Thiên Thư nói.
Ông Huỳnh Quốc Hùng – Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Nguyễn Chương) |
Ông Huỳnh Quốc Hùng - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Cà Mau bày tỏ, với vùng chuyên trồng lúa tỉnh Cà Mau, mấy năm nay, bà con sản xuất lúa có lợi nhuận, nhưng ít. Nguyên nhân do đặc thù của đất Cà Mau không thể áp dụng cơ giới hóa toàn bộ mà vẫn phải làm thủ công, khiến giá thành sản xuất cao hơn. Bên cạnh đó, do giá phân bón ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất của bà con.
“Trên vùng trồng lúa của Cà Mau, 1ha cho lợi nhuận khoảng 3,3-3,5 triệu đồng, 1 hộ nông dân có 4 người, tính ra lợi nhuận không được bao nhiêu. Nhờ bỏ đi 1 số khâu, dùng sức lao động trực tiếp của gia đình vào làm thì bà con mới có thể sống được, họ tính cả vào chi phí sản xuất thì mới trang trải đủ cuộc sống”, ông Huỳnh Quốc Hùng chia sẻ.
Nông dân là nòng cốt trong quá trình sản xuất nông nghiệp và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ở góc độ là người đại diện cho nông dân tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Hùng tin tưởng, xuất phát từ Nghị quyết 19, bất kỳ chủ trương, đường lối, chính sách nào có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp đều phải vì người nông dân, từ người nông dân.
"Cũng có thể Quốc hội thông qua chính sách thuế VAT đối với mặt hàng phân bón là 5%, nhưng bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước sẽ có chính sách can thiệp, hỗ trợ người nông dân để có thể thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 19, để nông dân có cuộc sống ổn định, vươn lên và đạt được với mục tiêu người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị", ông Hùng nói.
Doanh nghiệp và nông dân đang ngồi chung “một thuyền”
Đầu ra của nông sản Việt là đầu vào của các ngành sản xuất chế biến khác. Thuế VAT đối với mặt hàng phân bón nếu đưa lên 5% sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước từ nguồn thu thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước là người được hưởng lợi vì toàn bộ thuế VAT đầu vào của sản xuất sẽ không phải hạch toán vào chi phí mà được khấu trừ. Tuy nhiên, với người tiêu dùng mà ở đây là nông dân, giá phân bón có giảm hay không là việc chắc chắn, bởi việc này phụ thuộc vào doanh nghiệp phân bón và cả những yếu tố từ thị trường.
Vùng trồng thanh long tại Sơn La. (Ảnh: N.H) |
Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất, canh tác của bà con nông dân. Cùng với đó là chi phí vận chuyển cũng tăng cao, trong khi giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm, thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến tâm lý sản xuất người nông dân, cũng như trong công tác tái sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Câu chuyện vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng không chỉ tác động đến người nông dân. Chi phí tăng, khiến bà con nông dân phải bỏ “bờ xôi, ruộng mật” đi làm nghề khác bởi làm nông nghiệp không có lợi nhuận, hoặc là buộc họ phải tăng giá bán đầu ra, dù việc này không dễ.
Trong khi đó, đầu ra của sản xuất nông nghiệp, ví dụ như lúa, gạo, trái cây, hồ tiêu, hạt điều, cà phê,… lại là đầu vào của các ngành chế biến khác. Trong trường hợp tăng giá bán đầu ra, sẽ là hiệu ứng domino khiến giá nguyên liệu đầu vào của các ngành chế biến tăng cao, tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất phân bón, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau - cho rằng, nông dân và doanh nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Khi một doanh nghiệp có được một khoản tiền quỹ từ việc giảm chi phí sản xuất để nghiên cứu khoa học, họ sẽ đầu tư rất nhiều vào việc cải tiến, phát triển công nghệ. Việc này giúp nâng công suất, giảm giá thành và người nông dân là người tiêu dùng cuối sẽ được hưởng lợi.
“Con người sống trên đời phải có lương thực. Muốn có lương thực thực thì phải trồng trọt và phải có phân bón. Với người nông dân, bán lúa phải có lời thì họ mới có thể bám trụ với ruộng đồng. Chi phí sản xuất cao quá, nông dân sẽ bỏ ruộng. Phân bón sẽ bán cho ai?
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng muốn bán phân bón với giá rẻ. Muốn vậy, doanh nghiệp phải có nguồn ngân sách để đầu tư nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ. Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón có lời và duy trì được”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau |
Với kết quả 51,74 tỷ USD đạt được sau 10 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã rất gần với mục tiêu 54 - 55 tỷ USD cho cả năm 2024, và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới 60 tỷ USD…
Trong 10 tháng, nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như thủy sản tăng 12%; lâm sản tăng gần 20%; nông sản tăng gần 26%. Xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển, hội nhập ngày càng sâu, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, điều mà các cơ quan quản lý, các chuyên gia và nông dân luôn mong muốn đó là làm thế nào để duy trì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Công nhân đang vận chuyển phân bón trong kho tại Nhà máy Đạm Cà Mau. (Ảnh: N.H) |
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, bất kỳ một chính sách nào đưa ra đều có tác động tích cực và tiêu cực tới người nông dân. Câu hỏi đặt ra, làm sao người nông dân có thể được hưởng lợi. Làm thế nào để có thể đảm bảo lợi ích 3 nhà, Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân? Cho nên trách nhiệm quản lý Nhà nước ngay từ đầu càng quan trọng hơn.
Tất nhiên, vấn đề không chỉ ở phân bón. Sản xuất nông nghiệp tại nhiều nơi vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ. Chính vì vậy mà giá cả và chất lượng nông sản không có tính cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp chưa có mã vùng trồng, mã vùng nuôi,.. đây cũng là lý do hàng nông sản nhiều địa phương luôn gặp thách thức lớn trong việc đưa ra thị trường và xuất khẩu.
Làm sao giá trị sản xuất tăng lên và cuộc sống người nông dân ngày càng tốt hơn đây là vấn đề không chỉ của riêng ngành nông nghiệp, của cơ quan quản lý hay của doanh nghiệp đầu vào cho sản xuất, cũng như doanh nghiệp đầu ra cho nông sản. Câu chuyện ở đây còn là do người nông dân, họ cũng phải ý thức hơn với sản phẩm của mình, trong đó, việc sản xuất theo thói quen, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” vô hình chung để lại nhiều hệ lụy bất cập trong sản xuất.
Sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Khi đó, sản phẩm của bà con không chỉ bền vững ở khâu đầu vào mà cả những khâu cuối cùng ra thị trường.
Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam: Hiện mặt hàng phân bón không chịu thuế VAT. Có đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế VAT hay không và nếu đưa vào chịu thuế VAT thì mức thuế suất là bao nhiêu sẽ phù hợp? Rõ ràng, mỗi phương án cũng đều có những mặt tích cực và hạn chế. Việc lựa chọn phương án nào nhằm đem lại được lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân là vấn đề cần được cân nhắc; phân tích, mổ xẻ những điểm tích cực, những băn khoăn, vướng mắc nếu triển khai và đề ra các giải pháp để quy định đi vào đời sống xã hội hiệu quả nhất. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều băn khoăn với nội dung sửa đổi thuế VAT phân bón, Quốc hội nên lấy ý kiến riêng về vấn đề này, trước khi trình biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật Thuế VAT. |