CôngThương - Chưa nên áp thuế
Tham khảo chính sách thuế của một số nước, tùy theo chiến lược phát triển và đặc điểm kinh tế của từng nước, thuế xuất khẩu (XK) cao su thiên nhiên được áp dụng khác nhau. Cụ thể như Indonesia, nước có diện tích trồng cao su lớn nhất thế giới và XK đứng hàng thứ 2 thế giới, đang áp dụng thuế suất bằng 0 đối với cao su thiên nhiên XK.
Malaysia, nước XK cao su thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới đang áp dụng mức cố định 13,92 cent/kg (khoảng 1% giá XK), trong đó 4 cent/kg dành cho quỹ nghiên cứu và 9,92/ cent/kg để hỗ trợ nông dân tái canh.
Với Thái Lan, nước đứng đầu thế giới về XK cao su thiên nhiên, sản lượng 3,25 triệu tấn/năm (trong đó XK 88% tổng sản lượng) cũng chỉ áp dụng mức thuế xuất khẩu 1,4 Baht/kg (khoảng 1,2% giá XK). Từ tháng 10/2010, Thái Lan tăng thuế XK với mức mới là 2 baht/kg, nếu giá dưới 80 Baht/kg (khoảng 2670 USD/tấn) tương đương thuế khoảng 2,5%; 3 baht/kg nếu giá XK từ 80-100 baht/kg (2670 -3.330 USD/tấn) thì mức thuế khoảng 3%; 5 baht/kg nếu giá xuất trên 100 baht/kg (3.330 USD/tấn) thì thuế khoảng 5%.
Mục đích tăng thuế của Thái Lan là nhằm tăng Quỹ quốc gia dành cho ngành cao su, bao gồm kinh phí hỗ trợ cho nông dân khi tái canh và hỗ trợ khi giá sụt giảm dưới mức giá sàn, đồng thời khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư chế biến sản phẩm cao su tại Thái Lan với nguồn nguyên liệu rẻ hơn. (Mức hỗ trợ cho 1ha tái canh ở Thái Lan khoảng 2.300 USD/ha, chiếm khoảng 60% tổng chi phí).
Tại Việt Nam, do Chính phủ chủ trương khuyến khích sản xuất, XK nên những năm gần đây, diện tích và sản lượng cao su XK đều tăng mạnh. Hiện, Việt Nam là nước sản xuất đứng thứ 5 và XK đứng thứ 4 trên thế giới. Sản lượng năm 2010 là 754.500 tấn, diện tích 740.000 ha, dự kiến năm 2011 là 780 ngàn tấn và 770.000ha.
Theo các chuyên gia ngành cao su, trong tình hình nhiều biến động hiện nay, chưa nên thu thuế XK cao su thiên nhiên để khuyến khích phát triển diện tích, gia tăng sản lượng. Bởi sau khủng hoảng năm 2008, ngành cao su liên tiếp gặp khó khăn, lãi suất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển của ngành.
Đang vào mùa thu hoạch chính trong năm, song giá cao su có biến động bất thường. Việc áp dụng thuế suất 5% đối với XK cao su tự nhiên ngay trong năm 2011 sẽ làm hạn chế tốc độ đầu tư, phát triển của ngành, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, XK.
Tính thuế, cần có lộ trình
Hiện, Maylasia áp mức thuế xuất khẩu cao su trên 1%, Thái Lan áp mức thuế 1,2% và việc tăng thuế đều theo lộ trình, mức tăng tính thuế theo giá XK tăng chứ không gộp chung vào một mức. Một yếu tố đáng chú ý, tất cả các khoản thuế XK mà Thái Lan và Malaysia thu đều tái đầu tư cho việc phát triển ngành cao su của các nước này.
Ông Hồ Ngọc Hà Thi, Phó ban Xuất khẩu Tập đoàn Cao su Việt Nam hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính là phải thu thuế XK. Nhưng theo ông Thi, cần phải xác định xem thu ở thời điểm nào, mức nào là phù hợp, đặc biệt phải có lộ trình rõ ràng, để việc thu thuế không chỉ nhằm tăng ngân sách mà còn là hỗ trợ ngành cao su phát triển bền vững.
Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính về nội dung dự thảo thuế XK cao su. Theo đó, Bộ Tài chính có thể áp dụng mức thuế XK 5% đối với mặt hàng cao su tổng hợp thuộc nhóm 4002 là mặt hàng chủ yếu tạm nhập tái xuất và áp dụng mức thuế 3% cho cao su hỗn hợp mã 4005.
Từ năm 2012, có thể áp dụng thuế XK 1% cho cao su thiên nhiên thuộc nhóm 4001 đối với những lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm phẩm từ những phòng kiểm phẩm đạt cấp quốc gia.
Đề nghị chưa thu thuế XK đối với cao su thiên nhiên thuộc nhóm 4001 có kèm giấy chứng nhận kiểm phẩm để tăng sức cạnh tranh cho cao su Việt Nam, đồng thời khuyến khích đầu tư nâng cao chất lượng. Các mức thuế XK cao su nên điều chỉnh hàng năm theo chính sách khuyến khích hoặc hạn chế XK, nhưng cần công bố trước năm áp dụng.