ASEAN- Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản: Nỗ lực sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định RCEP
Hàn Quốc xem ASEAN là trọng tâm ưu tiên
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, nhấn mạnh ASEAN là trọng tâm ưu tiên trong Chính sách hướng nam mới tăng cường (NSPP) của Hàn Quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài 1 triệu USD hỗ trợ ASEAN ứng phó dịch bệnh, Hàn Quốc đề xuất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN - Hàn Quốc trong 2021, tăng cường đối thoại y tế hai bên.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam) |
Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Bộ trưởng Ngoại giao Brunei cũng khẳng định, Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của ASEAN; hợp tác hai bên tiến triển tích cực, phối hợp ứng phó với dịch bệnh, triển khai Kế hoạch hành động 2021-2025, trao đổi thương mại đạt 154,2 tỷ USD trong năm 2020.
Các nước ASEAN đều đánh giá cao hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Hàn Quốc, đề nghị Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác phát triển, sản xuất và cung ứng vắc-xin Covid-19 an toàn, đồng đều và hiệu quả.
Hàn Quốc khẳng định sẽ định hướng các ưu tiên trong Chính sách nhằm gắn kết, hỗ trợ ASEAN triển khai Kế hoạch phục hồi toàn diện; thông báo mở Trung tâm hợp tác tài chính ASEAN-Hàn Quốc tại Phái đoàn Hàn Quốc tại ASEAN để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp thông qua chương trình Đối tác khởi nghiệp ASEAN-Hàn Quốc; hỗ trợ ASEAN tận dụng hiệu quả các thành quả đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, bao gồm triển khai hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ Chương trình khuyến nghị và giải pháp công nghệ (TASK), Trung tâm hợp tác khoa học và công nghệ ASEAN - Hàn Quốc, và sớm thành lập Trung tâm đổi mới công nghiệp ASEAN - Hàn Quốc. Đồng thời phối hợp nghiên cứu các hình thức và biện pháp tạo thuận lợi đi lại trong điều kiện cho phép.
Các nước nhấn mạnh nỗ lực sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định RCEP.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024 (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam) |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Hàn Quốc tại khu vực và sự phối hợp ứng phó kịp thời và hiệu quả với Covid-19 giữa hai bên, cũng như vai trò và đóng góp của Hàn Quốc trong phòng chống đại dịch. Bộ trưởng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục nâng cao năng lực y tế và bảo đảm cung ứng vắc-xin cho các nước ASEAN; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên đầu tư kinh doanh tại khu vực và ứng dụng các thành tựu công nghệ và đổi mới sáng tạo; tích cực ủng hộ các nỗ lực ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững tại các tiểu vùng ASEAN, trong đó có Mê Công.
Tại hội nghị, các nước ASEAN và Hàn Quốc nhất trí sẽ ra Tuyên bố tăng cường hợp tác ASEAN-Hàn Quốc về AOIP tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 22 cuối năm nay.
Kết thúc Hội nghị, thay mặt Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu chính thức tiếp nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2021-2024. Bộ trưởng đánh giá cao Brunei, hoàn thành xuất sắc vai trò điều phối trong 3 năm vừa qua, khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn mới.
Trung Quốc – ASEAN: Thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định RCEP
Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoai giao Vương Nghị khẳng định, ASEAN luôn có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Trung Quốc luôn ủng hộ các nỗ lực xây dựng Cộng đồng và vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn nâng quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ.
ASEAN đề nghị phối hợp tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư, tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định RCEP để tạo động lực tăng trưởng mới |
Hiện nay, quan hệ Trung Quốc – ASEAN tiếp tục đạt kết quả quan trọng trên tinh thần láng giềng hữu nghị và đối tác, ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch, tích cực duy trì và thúc đẩy thương mại, đầu tư. Trung Quốc đã tài trợ 119 triệu liều và sẽ tiếp tục cung ứng vắc-xin cho ASEAN, hỗ trợ xây dựng trung tâm sản xuất và phân phối vắc xin khu vực, cung cấp các vật tư y tế thiết yếu, khởi động triển khai Sáng kiến hợp tác y tế ASEAN-Trung Quốc, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hợp tác những người bạn vắc xin ASEAN-Trung Quốc, và triển khai Chương trình hợp tác quản lý y tế công cộng ASEAN-Trung Quốc hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh cho các nước ASEAN.
Thay mặt ASEAN, với tư cách là nước điều phối quan hệ, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nhất trí quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và vững chắc 30 năm qua. ASEAN cảm ơn và đánh giá cao Trung Quốc đã hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho ASEAN ứng phó Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, tài trợ 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, cung cấp vắc-xin và vật tư y tế giúp các nước ASEAN thời gian qua.
Các nước cũng hoan nghênh hợp tác ASEAN-Trung Quốc vẫn được duy trì bất chấp khó khăn bởi Covid-19. Hai bên tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của nhau trong 6 tháng đầu 2021, với tổng kim ngạch thương mại đạt 516,9 tỷ USD.
Hai bên nhất trí tiếp tục ưu tiên phối hợp kiểm soát hiệu quả Covid-19, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau đẩy mạnh các nỗ lực phục hồi bền vững. ASEAN đề nghị phối hợp tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư, tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định RCEP để tạo động lực tăng trưởng mới.
Cũng tại hội nghị, phía Trung Quốc đã đề xuất tiếp tục xác định chủ đề Hợp tác phát triển bền vững cho năm 2022, chú trọng phát triển xanh và giảm khí thải các-bon; đồng thời xem xét tăng đóng góp cho Quỹ hợp tác ASEAN-Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã trưởng thành và phát triển lớn mạnh trong ba thập kỷ qua.
Bộ trưởng hoan nghênh đề xuất nâng cấp quan hệ ASEAN-Trung Quốc và đề nghị hai bên cần khai thác tốt các tiềm năng hợp tác rộng lớn, tăng cường hợp tác kinh tế, hỗ trợ thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, vào thị trường Trung Quốc và ngược lại; thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, trong đó có Mê Công – Lan Cang (Lan Thương).
Sau Hội nghị, Myanmar chính thức tiếp nhận điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2021-2024.
ASEAN – Nhật Bản: Người bạn tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau
Khai mạc Hội nghị và thay mặt ASEAN, với tư cách nước điều phối quan hệ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản trải qua gần 5 thập kỷ ngày càng phát triển vững mạnh, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những người bạn tin cậy, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong những thời điểm khó khăn, trên tinh thần “trái tim tới trái tim”. Bộ trưởng nhấn mạnh 3 năm qua, hai bên đã khai thác tốt tiềm năng hợp tác, tận dụng cơ hội và vượt qua nhiều thách thức, nhất là phối hợp ứng phó với Covid-19, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác trên các trụ cột vì hòa bình, thịnh vượng, với nhiều kết quả quan trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản bắt tay qua màn hình để chuyển giao vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam) |
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn phối hợp với ASEAN triển khai hiệu quả Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23 về hợp tác ASEAN - Nhật Bản trên cơ sở AOIP bằng các dự án hợp tác cụ thể.
Là người bạn của ASEAN, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, cung cấp vật tư y tế, thuốc men, vắc xin và hệ thống bảo quản lạnh, hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch và triển khai Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN.
Tại hội nghị, các nước ASEAN đánh giá cao Nhật Bản luôn là đối tác thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu của ASEAN, đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy kinh tế khu vực. Đặc biệt, ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Nhật Bản đối với các nỗ lực ứng phó Covid-19 ngay từ khi mới bùng phát, trong đó Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 và tài trợ 50 triệu USD giúp thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam trên cương vị nước điều phối trong 3 năm qua, các nước ASEAN và Nhật Bản nhất trí thời gian tới tiếp tục phối hợp ứng phó đại dịch Covid-19, hỗ trợ khắc phục các tác động và thúc đẩy phục hồi toàn diện hướng tới phát triển bền vững.
ASEAN đề nghị Nhật Bản giúp bảo đảm cung ứng vắc-xin đồng đều, hiệu quả, hỗ trợ Trung tâm ACPHEED hoạt động bền vững; hỗ trợ phục hồi bền vững, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và phát triển tiểu vùng, bao gồm tiểu vùng Mê Công.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam luôn mong Nhật Bản có quan hệ sâu sắc với ASEAN, cùng ASEAN đóng góp vào cho hòa bình, an ninh, phát triển và ứng phó thành công với các thách thức.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã chuyển giao cho Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan cương vị điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2021-2024. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Nhật Bản và các nước ASEAN đã dành ủng hộ Việt Nam hoàn thành trọng trách điều phối này trong 3 năm qua, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp với Thái Lan, nước điều phối tiếp theo, cùng Nhật Bản và các nước ASEAN khác, tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ ASEAN - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới.