Trong vụ việc này, ngoài Việt Nam thì Ấn Độ và Malaysia cũng bị điều tra, tuy nhiên chỉ có Việt Nam được chấm dứt một phần vụ việc.
Cụ thể, đối với điều tra thuế chống trợ cấp, ADC đã xác định rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam có nhận được trợ cấp có thể đối kháng từ Chính phủ trong giai đoạn điều tra nhưng lượng trợ cấp không vượt quá mức tối thiểu. Do đó, ADC đã quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống trợ cấp với tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam. ADC sẽ không đưa ra thêm bất cứ khuyến nghị nào về vấn đề trợ cấp với Việt Nam trong Báo cáo cuối cùng của ADC trình lên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Australia.
Còn đối với thuế chống bán phá giá, ADC xác định rằng, trong số 3 nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, có 2 nhà sản xuất/xuất khẩu có biên độ phá giá thấp hơn mức tối thiểu, do đó, ADC quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống bán phá giá với 2 công ty này. Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu còn lại của Việt Nam, vụ việc chống bán phá giá vẫn tiếp tục.
Theo ADC, để đưa ra quyết định này, ADC đã xem xét đơn kiện, các bản đệ trình từ các bên liên quan, bản báo cáo về các dữ kiện thực tế (statement of essential facts - SEF), các bình luận liên quan đến SEF và thông tin có được trong quá trình thẩm tra ngành sản xuất nội địa Australia, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng sản phẩm bị điều tra.
Tuy nhiên, theo quy định, bên nguyên đơn có thể kháng cáo quyết định nêu trên của ADC thông qua việc gửi đơn kiện tới Ban Hội thẩm rà soát chống bán phá giá trong vòng 30 ngày sau khi ADC công bố quyết định.