Ba câu hỏi lớn về chiến lược đầu tư 2016
Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, MBS cho rằng, việc Fed bước vào lộ trình tăng dần lãi suất đồng USD và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng chính sách thả nổi đồng nhân dân tệ sẽ kéo theo sự mất giá của hàng loạt đồng tiền khác trong khu vực châu Á, trong đó có VND, khiến dòng vốn quốc tế tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ là một trong những nước ít chịu sự tác động từ động thái này, thậm chí có thể đón nhận thêm các dòng vốn quốc tế đi tìm các cơ hội đầu tư mới ở các thị trường tài chính sơ khai. Trong khi đó, Chính phủ đã nới “room” cho NĐT nước ngoài và đang có kế hoạch thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động hiệu quả, với quy mô thoái vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác cổ phần hóa DNNN tiếp tục được thúc đẩy trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tạo điều kiện đưa ra thị trường nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng cho khối ngoại. Như vậy, mặc dù yếu tố biến động tỷ giá có thể khiến dòng vốn quốc tế thận trọng trong từng thời điểm, nhưng với những cơ sở nêu trên, nhiều khả năng năm 2016 vẫn sẽ là năm Việt Nam ghi nhận trạng thái mua ròng của các NĐT.
Với các NĐT nội, tâm lý một bộ phận NĐT có thể bị ảnh hưởng bởi các diễn biến bất lợi của kinh tế và chứng khoán thế giới, áp lực tỷ giá, áp lực tăng nguồn cung chứng khoán từ hoạt động phát hành thêm của doanh nghiệp niêm yết và kế hoạch thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa DNNN...
Về cơ bản, TTCK năm 2016 có thể tiếp tục xu thế tăng trưởng dài hạn đã hình thành từ cuối năm 2011 tới nay. Tuy nhiên, do các yếu tố hỗ trợ và rủi ro đan xen nên diễn biến thị trường dự báo sẽ có sự tăng giảm tương ứng, trong đó cận dưới của VN-Index tăng dần theo đường xu thế tăng dài hạn và đường cận trên của chỉ số này biến động trong vùng 620 - 640 điểm. Theo đó, VN-Index có thể sẽ biến động trong kênh 510 - 640 điểm như đã hình thành trong năm 2015.
Kịch bản này phản ánh những hạn chế của thị trường do tác động của yếu tố tỷ giá và dòng tiền bị hút vào các thương vụ IPO lớn. Nhìn chung, TTCK sẽ khó có sự bứt phá lớn trong năm 2016. Cơ hội đầu tư sẽ là câu chuyện riêng của các cổ phiếu ở những thời điểm cụ thể.
MBS kỳ vọng, cuối năm 2016 sẽ là thời gian VN-Index có sự bứt phá qua đường cận trên tại vùng 640 điểm để hình thành xu thế tăng mới, phản ánh rõ ràng hơn những chuyển biến tích cực của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
Triển vọng gia nhập MSCI mới nổi
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục có những chính sách mới để đáp ứng các tiêu chuẩn của bộ tiêu chuẩn MSCI thị trường mới nổi, tập trung vào các tiêu chí ở chuẩn C (khả năng tham gia thị trường đối với NĐT nước ngoài). Dựa trên diễn biến các thị trường mới gia nhập, hoặc đang được xem xét tham gia bộ chỉ số MSCI thị trường mới nổi gần đây, MBS đánh giá việc gia nhập MSCI thị trường mới nổi sẽ là nhân tố chính thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong 4 năm tới.
Theo quan điểm của MBS, với kế hoạch đưa vào hoạt động TTCK phái sinh và cho phép giao dịch T+0 trong năm 2016, cũng như đưa ra giới hạn đầu tư nước ngoài với các ngành nghề cụ thể, Việt Nam sẽ đạt hầu hết các chỉ tiêu chính của MSCI mục C1 (sở hữu nước ngoài) và C3 (tính hiệu quả của hệ thống hoạt động thị trường). Việt Nam có khả năng sẽ được đưa vào danh sách xem xét từ kỳ xét lại (review) rổ chỉ số tháng 6/2017 và có thể được chính thức gia nhập MSCI thị trường mới nổi trong các kỳ review 2 - 3 năm sau đó.
Hiện các quỹ ETF trực tiếp đầu tư vào các thị trường mới nổi (tổng vốn hóa dao động từ 3.400 - 4.000 tỷ USD) có quy mô 405 tỷ đồng, ngoài ra các quỹ khác đầu tư vào thị trường mới nổi có thể lên tới 1.700 tỷ USD. Với vốn hóa TTCK Việt Nam là 60 tỷ USD, tương đương 1,5% tổng vốn hóa các thị trường mới nổi. MBS cho rằng, Việt Nam có thể hút 1% lượng vốn đầu tư ròng vào các thị trường mới nổi, tương đương lượng vốn đầu tư kỳ vọng 4 tỷ USD từ các quỹ ETF (so với mức khoảng 1 tỷ USD hiện nay) và 15 tỷ USD vốn đầu tư chủ động và đầu tư chỉ số.
Việt Nam hiện có 22 cổ phiếu đang được theo dõi trong rổ chỉ số MSCI thị trường cận biên (trong đó 10 mã có vốn hóa lớn nhất là VIC, MSN, VCB, STB, HAG, PVS, HPG, DPM, KDC, BID...). Với các quy định về nới “room”, VNM có thể sẽ gia nhập chỉ số này và là một trong những cổ phiếu được xem xét đưa vào rổ chỉ số MSCI thị trường mới nổi. Bên cạnh VNM (nếu mở room), 10 cổ phiếu hàng đầu nêu trên sẽ được hưởng lợi, trong đó VIC, MSN, VCB, STB là những mã có khả năng cao được thêm vào theo dõi tại rổ MSCI thị trường mới nổi.