Thông tin được TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) chia sẻ tại Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo giá cả năm 2024” diễn ra sáng 3/7, tại Hà Nội.
Áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý2/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024. Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023.
Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.
Hơn nữa, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy rằng áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,4%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn. Nguyên nhân được TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ là do, thứ nhất, mặc dù nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt mức 6,5%, nhưng xét cả giai đoạn 2020 - 2024, GDP chỉ tăng trung bình khoảng 5%/năm, thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014 - 2024, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020 - 2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Nói cách khác, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Người tiêu dùng mua thịt heo tại siêu thị WinMart Thăng Long (ảnh Nguyễn Hạnh) |
Thứ ba, mặc dù tỷ giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%), nhưng lạm phát hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2024 không cao. Hơn nữa, đà tăng của tỷ giá đã chững lại trong tháng 5 - 6/2024, và được dự báo sẽ ổn định, thậm chí giảm, trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất 1 - 2 lần và đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế.
Thứ tư, giá dầu tương đối ổn định trong thời gian qua khi dao động xung quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu khi Fed duy trì lãi suất ở mức cao.
Thứ năm, lãi suất, mặc dù thấp, nhưng vẫn được duy trì ở mức thực dương và giúp kiềm chế lạm phát, còn cung tiền và tín dụng tăng trưởng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tính đến thời điểm 24/6/2024 tăng trưởng huy động vốn và tín dụng của các tổ chức tín dụng mới đạt tương ứng 1,50% và 4,45%.
Thứ sáu, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
“Các phân tích ở trên cho thấy không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024 (ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô và thời điểm). Vì vậy, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024 (nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn)”, TS Nguyễn Đức Độ nhận định.
Ba kịch bản lạm phát năm 2024
Trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,8% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.
Lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình 12 tháng tại Việt Nam: thực tế và dự báo (Nguồn Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả) |
Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (như trong quý 2/2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 2% và lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.
Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm, trong 6 tháng cuối năm 2024. Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.
Như vậy, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/ 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).
"Áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm không lớn. Kinh tế Việt Nam hoạt động dưới tiềm năng; cầu tiêu dùng yếu; áp lực tỷ giá đã đạt đỉnh; giá dầu khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế; lãi suất thực dương, tín dụng tăng trưởng thấp; tác động tăng lượng cơ sở không lớn. Dự báo lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,3% (chưa tính đến các điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý", TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.