Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày “Chuyển đổi số quốc gia”. Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong các hoạt động chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nội dung quan trọng, và đã được tỉnh Bắc Ninh thực hiện tốt.
Báo cáo của Sở Công Thương Bắc Ninh, hiện nay cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các đơn vị tài chính trung gian như chuyển khoản, quét mã QR...
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các sở, ngành thực hiện nghi thức nhấn nút phát động sự kiện mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt |
100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ và tiểu thương kinh doanh cố định tại các chợ đều sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền hình đã thanh toán cước phí, báo giá cước phí qua phương tiện điện tử…
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh ông Đào Quang Khải khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng; đồng thời đề nghị Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen thanh toán dùng tiền mặt; đẩy mạnh sử dụng phương tiện thanh toán điện tử trong mua bán, tiêu dùng; tạo hiệu ứng lan tỏa, kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh việc giới thiệu các giải pháp phát triển thương mại điện tử, công nghệ thông tin và ứng dụng chuyển đổi số.
Đồng thời, phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả các phương thức thanh toán điện tử, đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn giao dịch, thanh toán không tiền mặt được an toàn, bảo mật.
Tổ chức chương trình khởi nghiệp về thương mại điện tử nhằm tạo diễn đàn chia sẻ thông tin, cổ vũ, khuyến khích thanh niên, sinh viên, cộng đồng xã hội và doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm, tìm hiểu, phát huy tính sáng tạo và trải nghiệm thực tế về các kỹ năng khởi nghiệp, bán hàng thông qua thương mại điện tử; tổ chức các “Phiên chợ”, “Ngày hội” thanh toán không tiền mặt kết hợp trên các tuyến phố chuyên doanh, phố đi bộ; mời một số doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ, giải pháp thanh toán không tiên mặt; tổ chức các hoạt động phát sóng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia công tác chuyển đổi số và hoạt động thương mại điện tử một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh.