Hiệp định EVFTA, cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam Cơ hội nhận lại tiền của 42.000 người bị lừa mua trái phiếu ở Ngân hàng SCB? |
Còn quá nhiều việc cần phải làm để Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 về đích, khi già nửa số chỉ tiêu được xác định là “rất thách thức để có thể hoàn thành”. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong cơ hội lịch sử để trở thành “không thể thiếu trong kỷ nguyên công nghệ” và bài toán cơ cấu lại nền kinh tế cần những lời giải mang tính xoay chuyển.
Ông Trương Gia Bình (ngoài cùng bên phải) và các nhà đầu tư Mỹ tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về đổi mới sáng tạo và đầu, tư tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden |
Bài 1: Cơ hội để “Việt Nam không thể thiếu”
Cơ hội lịch sử để Việt Nam trở thành cái tên không thể thiếu trong kỷ nguyên công nghệ, với các từ khóa như công nghiệp bán dẫn, chip… đang được nhận diện.
Cơ hội lịch sử
Đầu tháng 11/2023, tại Hà Nội, một nhóm doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế nhóm họp. Khác với những cuộc trao đổi thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, bối cảnh trong nước, toàn cầu để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh những năm tới, nội dung bàn thảo lần này được xác định rất khác.
Đó là trả lời bằng được câu hỏi “Ai, làm gì và làm thế nào” để Việt Nam có được vị thế xứng đáng trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
“Lâu lắm, tôi mới cảm nhận được niềm tin chung của các doanh nhân có tên tuổi. Họ nói về cơ hội lịch sử của doanh nhân Việt Nam đương đại, về cụm từ ‘xây dựng đất nước’ không phải là mỹ từ để nói cho hay”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - một trong số những người tham gia cuộc làm việc kể lại.
Trong hình dung và trong kế hoạch hành động của các doanh nhân này, vạch đích mà nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được trong 20-30 năm tới là kinh tế số, công nghệ cao và kinh tế xanh, không phát thải... Cụ thể hơn, Việt Nam phải là cái tên không thể thiếu trong kỷ nguyên công nghệ, tương tự những điều mà Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được trong ngành công nghiệp thế giới vài thập niên qua.
Thực ra, tâm thế háo hức này đã nóng lên từ trước khá lâu. Khi những căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ -Trung nổ ra vào năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ tính đến việc đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình. Nhu cầu dịch chuyển để phá thế phụ thuộc vào một công xưởng càng trở nên rõ nét sau Covid-19 và tình trạng leo thang của các cuộc xung đột quân sự. Thời điểm đó và đến nửa đầu năm 2023, nhiều kế hoạch đón đầu được triển khai tại Việt Nam, từ phía doanh nghiệp Mỹ, doanh nghiệp các nước đồng minh của Mỹ và doanh nghiệp Việt Nam...
Cơ hội bùng nổ khi Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ được công bố tháng 9/2023 và sự có mặt ngay sau đó của các dự án đầy tham vọng của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ tại Việt Nam, như Dự án Trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia và Microsoft, Dự án Trung tâm thiết kế bán dẫn của Synopsys và Marvell tại TP.HCM hay Dự án cở sở đóng gói chip của Amkor tại Bắc Ninh...
Các doanh nghiệp Việt đã không đứng ngoài. Cùng thời điểm trên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình công bố chiến lược đầu tư vào Mỹ, phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Sau đó hơn 1 tuần, FPT Semiconductor hoàn tất biên bản hợp tác chiến lược với Silvaco - một công ty của Mỹ, cam kết phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn cho các công ty bán dẫn ở Mỹ, đồng thời thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn tại Việt Nam.
“Đại học FPT đã mở thêm ngành vi mạch bán dẫn, đón sinh viên từ năm 2024. Chưa nói FPT sẽ đào tạo bao nhiêu trong mục tiêu 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn mà Chính phủ đang xây dựng, nhưng chúng tôi sẽ là nơi đào tạo về AI, về chip tốt nhất Việt Nam và sẽ tốt nhất khu vực, thế giới”, ông Bình thông tin về những công việc rất cụ thể.
Không chỉ các doanh nghiệp công nghệ được cho là vào điểm rơi cơ hội, mà các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ, bất động sản công nghiệp... cũng vào guồng.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse kể, có buổi sáng, ông tiếp 3 đoàn khách, một từ Mỹ, một từ Trung Quốc, một từ Nhật Bản. “Đối tác Trung Quốc bàn việc lập nhà máy liên doanh để bán hàng vào Mỹ. Hai khách Nhật Bản tìm đối tác cho kế hoạch 20-30% hàng hóa mua bên ngoài Trung Quốc. Đoàn khách Mỹ muốn mua hàng của chúng tôi”, ông chủ Sunhouse không giấu giếm sự phấn chấn.
Thách thức nhìn từ vạch đích
TS. Nguyễn Đình Cung phấn chấn không kém khi nhắc đến các tham vọng lớn của giới kinh doanh.
“Nghe các doanh nhân hàng đầu Việt Nam nói và hành động với tâm thế đứng trước cơ hội duy nhất để đưa Việt Nam ‘hóa rồng’, ‘hóa hổ’ trước khi bước ra khỏi thời kỳ dân số vàng, trong khoảng 10 năm tới, có thể thấy, thời điểm xoay chuyển của kinh tế Việt Nam đã tới, dù quá khó khăn, quá thách thức, quá biến động đang là những từ khóa chung của kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam”, ông Cung chia sẻ.
Song, vị chuyên gia cách đây 10 năm được giao chắp bút Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, đang theo sát các đánh giá mới nhất về kết quả thực hiện Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, lại muốn nói nhiều hơn về các thách thức hiện hữu. Điều ông Cung lo ngại là “vạch đích mới, cơ hội mới đã xuất hiện, nhưng bài toán tái cơ cấu nền kinh tế đã giải 10 năm vẫn chưa xong”.
Đây cũng là điều các đại biểu Quốc hội đã làm nóng nghị trường tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV trong các cuộc thảo luận về nửa chặng đường của Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) thực sự lo ngại khi nhắc đến tỷ lệ khá cao những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những giải pháp được triển khai trên thực tế chưa nhiều trong các báo cáo mà Chính phủ gửi Quốc hội.
“Tôi rất đồng tình là, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thuận lợi rất lớn để trở thành một nước phát triển cao vào năm 2045. Xin lưu ý, trong khi nỗ lực để đồng hành với thế giới trong nền kinh tế số và xã hội số, tôi cho rằng, trong 3 lĩnh vực thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì còn nhiều nội dung, nhiều bộ phận của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0 vẫn chưa có”, đại biểu Nghĩa thẳng thắn.
Cụ thể, ông nhắc đến việc chưa có thể chế hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa, chưa hoàn tất những hạ tầng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, trong khi cách mạng 3.0 diễn ra trên thế giới từ nửa thế kỷ nay, thì Việt Nam mới bắt đầu khoảng 10 năm nay…
“Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta dự định xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, mà bỏ qua những bước phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của một quốc gia công nghiệp hóa”, đại biểu Nghĩa phân tích.
Đây cũng là điều TS. Cung đặc biệt chia sẻ, vì sự thiếu vắng, yếu kém và không hoàn chỉnh, không đồng bộ của thể chế, hạ tầng và nhân lực của những cuộc cách mạng công nghiệp trước sẽ cản trở, làm chậm bước và thậm chí triệt tiêu động lực của những nỗ lực xây dựng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xã hội 4.0.
Đây là thách thức lớn nhất đối với lãnh đạo, người dân, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nỗ lực trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Nhưng, như các doanh nghiệp đã nói, xác định rõ thách thức khi nhìn từ vạch đích cũng có nghĩa là đã thấy con đường cần phải đi.
(Còn tiếp)