Tập đoàn Hóa chất và các công ty thành viên hỗ trợ Lào Cai 5 tỷ đồng khắc phục mưa lũ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trao 5 tấn Chloramine B cho Bộ Y tế khắc phục hậu quả mưa lũ |
Xanh hoá sản xuất – yêu cầu cấp thiết của ngành hoá chất
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch bảo vệ môi trường của ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những giải pháp trong Kế hoạch được quan tâm là thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp.
Ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Ảnh LA |
Theo đó, xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Đối với ngành sản xuất hoá chất và phân bón - những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng, do đó yêu cầu về tiêu chuẩn xanh còn được đặt ra khắt khe hơn rất nhiều.
Nhằm bảo vệ môi trường và “xanh hoá” trong hoạt động xản xuất hoá chất, phân bón, ông Phùng Ngọc Bộ - Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết: Tập đoàn Hóa chất tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm phát thải khí nhà kính; các giải pháp về tiết kiệm nhiên liệu; việc xử lý chất thải và tái chế; chú trọng tuyên truyền.
Với những giải pháp đó, vấn đề nhận thức về bảo vệ môi trường, xanh hoá sản xuất của người lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo các doanh nghiệp và người lao động trong Tập đoàn Hoá chất Việt Nam thời gian vừa qua đã được cải thiện rất đáng kể.
“Các đơn vị trong Tập đoàn cũng như Tập đoàn không chỉ coi việc sản xuất xanh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm mà thực sự đã mang lại những hiệu quả kinh tế rất rõ nét cho doanh nghiệp cũng như cho cộng đồng” – ông Phùng Ngọc Bộ nêu.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp giúp xanh hoá sản xuất. Ảnh CT |
Nhiều lợi ích thiết thực từ xanh hoá sản xuất
Cũng theo ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, loại bỏ ô nhiễm môi trường trong sản xuất mang lại nhiều lợi ích chính trong ngành hóa chất, về môi trường, xã hội; kinh tế và nâng cao vị thế của doanh nghiệp khi hòa nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể hơn về lợi ích về môi trường xã hội, ông Phùng Ngọc Bộ cho rằng: Việc loại bỏ các tạp chất, chất thải cũng như quản lý công tác bảo vệ môi trường tốt tạo ra môi trường sống, môi trường lao động trong lành hơn, an toàn hơn và người lao động sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với đơn vị từ đó mang lại những cái hiệu quả cũng như làm tăng cái năng suất lao động.
Lợi ích về mặt kinh tế, “về mặt nguyên tắc khi chúng ta làm tốt công tác đó thì chúng ta sẽ giảm được định mức tiêu hao, giảm được các chi phí xử lý chất thải và chúng ta mang lại những cái hiệu quả hết sức tích cực về mặt kinh tế” – ông Phùng Ngọc Bộ khẳng định.
Còn một lợi ích nữa là về nâng cao vị thế của doanh nghiệp, đặc biệt là khi hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với những doanh nghiệp hóa chất khi đã quản lý môi trường tốt, loại bỏ được các chất thải thì có thể xâm nhập được các thị trường khó tính, đây cũng là một phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ tại COP26.
Liên quan đến nội dung về tiết kiệm cũng như chuyển đổi năng lượng, theo ông Phùng Ngọc Bộ, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 về tiết kiệm điện cho giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và các đơn vị thành viên cũng đã xây dựng một kế hoạch, đặt mục tiêu là bắt đầu từ năm 2025 trở đi thì sẽ tiết kiệm được hàng năm từ 2% đến 5% cho tổng lượng điện tiêu thụ.
Theo đó, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khuyến khích các đơn vị lắp đặt sử dụng điện mặt trời áp mái và đã có rất nhiều các đơn vị trong tập đoàn đang đã áp dụng giải pháp này. Ví dụ như Công ty Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng, Công ty cao su miền Nam... Nhiều đơn vị sử dụng năng lượng thân thiện môi trường năng lượng sinh khối ví dụ như: Mùn cưa, trấu để sản xuất hơi và trong quá trình sấy sản phẩm như: Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty hóa chất Việt Trì...
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng theo đại diện Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, trong quá trình thực hiện xanh hoá trong sản xuất, các doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng đối mặt với không ít những thách thức. Cụ thể, liên quan đến việc xử lý chất thải thạch cao trong quá trình sản xuất axit phosphoric thì hiện nay mới có được nhà máy Công ty Cổ phần thạch cao Đình Vũ mới chế biến, xử lý thạch cao để sản xuất ra phụ gia cho xi măng và công suất cũng hạn chế.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khi chuyển đổi sang hoạt động xanh hoá sản xuất cũng là vấn đề thách thức. Theo đó, để hỗ trợ xanh hoá trong sản xuất công nghiệp nói chung và ngành hoá chất, phân bón nói chung, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn cần sự “chung tay” của các bộ, ngành cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về công nghệ và nguồn vốn.