Bài 1: Những quyết sách tạo động lực phát triển khoa học và công nghệ
Nền tảng, động lực quan trọng cho phát triển
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta, đặc biệt là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nhiều kỳ Đại hội Đảng đã xác định: Khoa học, công nghệ là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Khoa học và công nghệ được nhận định là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng |
Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ, “tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, và “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 cũng xác định một trong những đột phá chiến lược của nước ta là “phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Quán triệt, nhận thức sâu sắc chủ trương, đường lối chiến lược này của Đảng, dưới sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của lãnh đạo Chính phủ, toàn ngành Công Thương trong những giai đoạn phát triển vừa qua luôn xác định công tác phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu và đòi hỏi tiên quyết, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 nhấn mạnh, tái cơ cấu để thực hiện phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Quan điểm này đã khẳng định mạnh mẽ việc gắn bó mật thiết và trực tiếp của khoa học và công nghệ phục vụ cho quá trình đổi mới ngành Công Thương.
Đề án này đã đặt ra nhiệm vụ về tái cơ cấu ngành công nghiệp, trong đó xác định kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm.
Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các-bon thấp. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Đề án cũng nêu, ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đi tắt, đón đầu trong phát triển một số ngành, sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao.
Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam. Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Đặc biệt, tại Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc Ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030 tiếp tục thể hiện rõ nét quan điểm, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và khâu đột phá trong chính sách công nghiệp và thương mại để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ngành Công Thương; tự chủ về công nghệ công nghiệp, đặc biệt là các công nghệ then chốt; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết chặt chẽ với định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại nhằm tạo ra những kết quả nghiên cứu thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững ngành Công Thương.
Ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; đặc biệt là hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ với chính sách “bắt kịp”, tiến tới “dẫn dắt” về công nghệ đối với các doanh nghiệp sản xuất. Chú trọng hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) của các viện nghiên cứu, trường đại học cùng với việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong ngành. Thúc đẩy mối quan hệ gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương.
Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm; viện nghiên cứu và trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, hiệu quả cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương.
Nâng cao đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng
Ngành Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng chung của ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại thông qua các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, làm chủ và nội địa hóa công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực tổ chức, quản trị doanh nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương) |
Qua đó, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phục vụ phát triển công nghiệp, trọng tâm là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần dịch chuyển cơ cấu nội ngành lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị sản xuất; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao; đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu đến năm 2030: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP và tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Đồng thời, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ phát triển thương mại trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới; góp phần tích cực thực hiện mục tiêu tăng trưởng doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (Business to Customer - B2C) bình quân từ 20 - 25%/năm.
Tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và có kết quả được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90%; tối thiểu 50% kết quả nghiên cứu có khả năng chuyển giao cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh; ít nhất 30% kết quả nghiên cứu được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Các tổ chức khoa học và công nghệ ngành Công Thương được nâng cao về năng lực nghiên cứu, trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phấn đấu có khoảng 10 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành có cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017.
Khoảng 10 đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ có cơ sở sản xuất thực nghiệm, trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ hoặc hình thành công ty khởi nghiệp trực thuộc để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ sau đại học ở các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong ngành Công Thương đạt tối thiểu 50%, trong đó phấn đấu tiến sĩ chiếm trên 10%.
Cùng với đó, hỗ trợ được ít nhất 200 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến là kết quả của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào quản trị, sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả tích cực trong hoạt động (thể hiện bằng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, tạo việc làm và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động,...).
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Công Thương đã đưa ra các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, hệ thống quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư và tài chính; hợp tác, hội nhập quốc tế; thông tin, truyền thông, hoạt động tôn vinh.
Cụ thể, tăng cường tham gia, phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và các luật liên quan phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra; trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm giải phóng tiềm năng, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đi đôi với cơ chế đánh giá độc lập và giám sát xã hội, công khai kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, tổ chức triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện chặt chẽ, trách nhiệm, chất lượng và đúng quy trình, quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở tất cả các khâu: Đặt hàng, tư vấn xác định nhiệm vụ; tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; đánh giá, nghiệm thu và xử lý tài sản được hình thành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nâng cao năng lực quản trị nhà nước đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong triển khai hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học giỏi ở trong và ngoài nước đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp; rà soát, thực thi có hiệu quả các chính sách tiền lương, đãi ngộ thỏa đáng, môi trường làm việc tiên tiến, tự chủ và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học.
Đặc biệt, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực từ ngân sách nhà nước chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên kinh phí cho các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, cấp bộ; tập trung, tích tụ nguồn lực để đầu tư trọng điểm, có chiều sâu nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ cho một số viện nghiên cứu, trường đại học, phòng thí nghiệm đạt mức độ hiện đại của quốc gia và khu vực; hình thành một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập thuộc Bộ Công Thương thực hiện vai trò gắn kết các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.
Tăng cường việc hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu trong ngành Công Thương trích lập và sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức để đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm và triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở; tham gia đối ứng một phần kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Giải pháp tiếp theo đó là thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy việc xã hội hóa đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tích cực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chủ động, tích cực tìm kiếm, thu hút đầu tư nước ngoài phát triển khoa học và công nghệ, kêu gọi và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế cho các chương trình, dự án khoa học, công nghệ...
Tại một cuộc họp với các Viện nghiên cứu trong ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, phát triển khoa học và công nghệ là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bởi lẽ, đó là động lực cho phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy định hướng hình thành, phát triển những ngành kinh tế mới; cùng với đó, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất và cơ cấu ngành nghề, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu vào, làm gia tăng các yếu tố sản xuất, kinh doanh.
“Ngành Công Thương là một ngành có chức năng quản lý nhà nước đa ngành về kinh tế, cả trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Vì thế, nếu chúng ta muốn phát triển không còn cách nào khác là phải ứng dụng khoa học, công nghệ và phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo” - Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu.
Thực tiễn trong thời gian qua, đội ngũ làm công tác khoa học và công nghệ trong toàn ngành Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; làm tốt công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn - quy chuẩn - định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành.
Mặt khác, đưa nhanh những kết quả nghiên cứu và thành tựu khoa học và công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành cũng như góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành Công Thương, thực hiện tái cấu trúc công nghiệp và thương mại giai đoạn 2021 - 2030; thực sự trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao, khả năng tự chủ, thích ứng, chống chịu tốt, trình độ công nghệ tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng; góp phần tích cực phát triển thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy lợi thế và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam. |
Bài 2: Gieo nỗ lực, gặt thành công trong nghiên cứu khoa học