Bài 1: Chuỗi giá trị nông sản được nối dài Thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc |
“Trái ngọt” từ việc khơi thông thị trường
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, các sản phẩm nông sản là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước.
Khơi thông dòng chảy nông sản, mở cửa thị trường |
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, 2023 là năm hết sức khó khăn đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Trên thực tế, chỉ tiêu mà chúng ta đặt ra chưa đạt được. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những điểm sáng khi xuất siêu của Việt Nam vẫn duy trì và thậm chí đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay (gần 28 tỷ USD).
Một số mặt hàng, đặc biệt là nhóm hàng nông sản đã có sự bứt phá ngoạn mục. Cụ thể, mặt hàng gạo đã đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay. Mặt hàng trái cây, mà cụ thể là trái sầu riêng đã đạt bước đột phá, cho thấy tiềm năng xuất khẩu là rất lớn.
“Nhóm hàng nông sản được đánh giá là nhóm hàng khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Nếu chúng ta tìm được hướng đi và duy trì được các chính sách thúc đẩy hỗ trợ sẽ tạo ra bước đột phá cho hoạt động xuất khẩu”, ông Trần Thanh Hải nói.
Ông Phạm Trung Nghĩa – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế - đánh giá, sau 29 năm hội nhập (từ 1995 đến nay), tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu, đời sống của bà con nông dân được cải thiện là những kết quả không thể phủ nhận do công tác khơi thông thị trường, đẩy mạnh đàm phán ký kết các hiệp đinh thương mại tự do (FTA), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) và công tác cải cách thể chế.
“Có thể khẳng định, cùng với Trung Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công khi hội nhập, khi ký kết các FTA, việc này thể hiện ở con số tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư. Nếu như năm 1995, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đâu đó khoảng 5 tỷ USD, thì đến nay đã tăng 85 lần. Nếu so sánh từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007), thì hiện xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 8 - 9 lần”, ông Phạm Trung Nghĩa dẫn chứng.
Sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (có hiệu lực từ 14/1/2019), thủy sản là một trong những ngành có nhiều thay đổi tích cực nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước thành viên.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, sự gia tăng xuất khẩu vào các nước thành viên khối thị trường CPTPP mạnh mẽ hơn so với các thị trường khác. Điển hình là Canada, Chile, Peru, Singapore, Malaysia. Australia... Thị phần của thủy sản Việt Nam trên các thị trường này tăng, cho thấy thế mạnh cạnh tranh đã được hỗ trợ nhờ Hiệp định CPTPP.
Cụ thể, tại Canada, thị phần thủy sản Việt Nam đã tăng từ 7-8% lên 10%, trong đó riêng tôm tăng từ 18% lên 25% và đứng số 1; cá ngừ cũng tăng từ 6% lên 11% và đứng thứ 3. Tại Australia, tôm Việt Nam chiếm thị phần áp đảo 70%, tăng gần gấp đôi so với 32% trước khi ký Hiệp định.
“CPTPP là nhóm thị trường có tỷ trọng tăng trưởng tăng mạnh thứ 2, sau Trung Quốc. Nếu như năm 2018, nhóm thị trường CPTPP chỉ chiếm 25% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thì tới năm 2023 con số này chiếm gần 27%”, VASEP dẫn chứng.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 8,13 triệu tấn gạo, tương đương gần 4,68 tỷ USD. Khu vực các thị trường nằm trong Hiệp định RCEP là điểm đến xuất khẩu chủ yếu của ngành gạo nước ta, đạt trên 5,79 triệu tấn, tương đương 3,24 tỷ USD, tăng 21,5% về lượng, tăng 43,2% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường CPTTP đạt 574.813 tấn, tương đương 317,78 triệu USD, giảm 0,7% về lượng, tăng 13,4% kim ngạch.
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Trung Nghĩa cho hay, việc thực thi Hiệp định CPTPP đã mang lại nhiều kết quả tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian qua. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, bất chấp những khó khăn về chuỗi cung ứng và những xung đột, suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua.
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước trong khu vực Liên minh châu Âu trong năm 2023 ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ), thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)) của Việt Nam.
Ông Phạm Trung Nghĩa nhận định, trong bối cảnh khu vực thị trường EU bất ổn, chuỗi cung ứng, giao thương và kinh tế EU đối mặt với nhiều khó khăn thì những kết quả xuất khẩu đạt được có vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA.
Và đến từ sự thích ứng với cuộc chơi hội nhập
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023, Văn phòng đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) của thành viên WTO, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022.
Sau 5 năm thực thi Hiệp định CPTPP, thủy sản là một trong những ngành có nhiều thay đổi tích cực nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước thành viên. |
Việc số lượng thông báo SPS ngày càng tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất quan tâm tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như ngày càng đòi hỏi cao hơn về vấn đề này cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... Điều đáng mừng, mặc dù nhận nhiều thông báo hơn, số lượng cảnh báo dành cho Việt Nam lại giảm trong năm vừa qua.
Cụ thể, Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU. Việt Nam nhận 67 cảnh báo (khoảng 1,4%) trong số này, giảm 5 cảnh báo (4%) so với cùng kỳ năm 2022 (72 cảnh báo).
Cũng trong năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các quy định của Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đến nay, phía bạn đã phê duyệt hơn 3.000 mã sản phẩm nông sản làm thực phẩm cho khoảng gần 3.000 doanh nghiệp của Việt Nam được phép nhập khẩu, trong đó khoảng 1.500 mã thuộc 18 nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm.
"Những quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh là bắt buộc phải áp dụng. Nó giống như việc khi tham gia giao thông, thấy đèn đỏ là phải dừng lại. Nếu vượt đèn đỏ, đồng nghĩa với vi phạm, chúng ta sẽ bị phạt và ảnh hưởng tới những người đi cùng", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Ngô Xuân Nam nói.
Bình luận về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản hơn 53 tỷ USD mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023, ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – đánh giá, sau 17 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện, từ hệ thống luật pháp liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và ngay cả cơ quan quản lý. Các quy trình giám sát cũng tiếp cận với các yêu cầu tiên tiến.
Đặc biệt, trong chế biến thực phẩm, các doanh nghiệp đều phải áp dụng HACCP, ISO… để làm sao đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó là áp dụng quy trình sản xuất tốt để giám sát tất cả những mối nguy trong quá trình trồng trọt, thu hái, sơ chế, chế biến để đáp ứng được quy định của thị trường.
Ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – đánh giá: Chính việc tuân thủ tốt các quy định về SPS đang ngày càng thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, thực phẩm Việt Nam cũng như là khẳng định vị thế về chất lượng, an toàn của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. |
Bài 3: Trung Quốc- thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt