Bài 1: Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và liên tục của Đảng Quảng Ninh: Tạo thế trận bảo vệ vững chắc an ninh biên giới Trường Sa- Thế trận lòng dân |
Sau khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, thế trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mới (thế trận 35) đã được xây dựng trên phạm vi cả nước.
Phát huy “thế trận lòng dân” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII (Nghị quyết 35) ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh những thuận lợi, còn có không ít khó khăn thách thức.
Để lan tỏa nhanh tinh thần của Nghị quyết 35, Ban Bí thư đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương) ban hành Kế hoạch số 306-KH/BTGTW, đồng thời xây dựng bộ tài liệu, hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 35 trong toàn Đảng. Nhiều đảng bộ đã triển khai sâu rộng việc học tập, nghiên cứu Nghị quyết 35 theo từng đối tượng cụ thể.
Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII (Nghị quyết 35) ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh những thuận lợi, còn có không ít khó khăn thách thức |
Việc thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết 35 cũng đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt, để tạo ra trận địa mới, thế trận mới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (thế trận 35). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, như: Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng (sửa đổi, bổ sung năm 2018); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước… Đây là những văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý cơ bản để các cấp, ngành, lực lượng, địa phương triển khai bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Song song với việc xây dựng, kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 các cấp, công tác tổ chức, xây dựng, phát triển lực lượng và bồi dưỡng, tập huấn cũng được các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thường xuyên. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương… đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển lực lượng, cả về số lượng và chất lượng. Lực lượng tham gia nhiệm vụ này được tổ chức thành ba nhóm chính là: Lực lượng nòng cốt, lực lượng phối hợp và lực lượng tham gia, với phương châm phát huy tối đa sức mạnh toàn dân và “thế trận lòng dân”.
Với lực lượng tham gia đông đảo ở các trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân ở trong nước, nước ngoài, của bạn bè yêu chuộng hòa bình từ các nước trên thế giới. Trong thời bình (không có tình huống cần đấu tranh) họ sử dụng các tài khoản xã hội của mình tham gia hoạt động giao lưu, kết bạn, chia sẻ thông tin hoặc kinh doanh buôn bán online. Nhưng khi có vụ việc phức tạp, nhạy cảm, vấn đề “nóng” được dư luận trong và ngoài nước quan tâm thì chính họ trở thành những “chiến sĩ” sử dụng mạng xã hội của mình để đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ. Thực tế từ năm 2018 đến nay, đã có nhiều vụ việc mà các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động đã được dập tắt bằng lực lượng rộng rãi của các “chiến sĩ” này như vụ việc xuyên tạc nguyên nhân dẫn đến quân nhân Trần Đức Đô tử vong năm 2021, vụ vu khống việc “chống lưng” cho tiếp viên hàng không buôn bán ma túy năm 2023, vụ việc bịa đặt “xử phạt người độc thân” mới đây…
Cùng với phát huy sức mạnh của toàn dân, lực lượng chuyên trách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng cũng được quan tâm xây dựng để hình thành “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Các lực lượng chuyên trách đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, chủ động phối hợp, dự báo đúng tình hình; kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động cài cắm gián điệp, tấn công mạng, triển khai các giải pháp bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia; vô hiệu hóa các hoạt động chống phá trên không gian mạng. Chủ động đấu tranh kịp thời, hiệu quả, từng bước đẩy lùi các loại tội phạm;… làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động.
“Thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng còn góp phần chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên không gian mạng.
“Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”
Hơn 5 năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn, vừa công khai, trắng trợn, vừa tinh vi, ngấm ngầm không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá hòng bôi nhọ, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chúng thường xuyên điều chỉnh các thủ đoạn chống phá cả về số lượng và phương thức tiến hành để thực hiện âm mưu cơ bản và lâu dài hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.
Trao đổi nghiệp vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Báo Tuyên Quang năm 2022 |
Để phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực, đẩy lùi cái tiêu cực”, các cơ quan báo chí trong cả nước đã chủ động, kịp thời đưa thông tin, đáp ứng cơ bản, ngày càng tốt hơn nhu cầu “hưởng thụ” thông tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, góp phần định hướng kịp thời dư luận xã hội liên quan đến các sự kiện chính trị, văn hóa-xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, vấn đề “nóng” phát sinh; phát huy tốt vai trò phản biện, phản ánh chân thực, khách quan đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội; thể hiện sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực tế hơn 5 năm qua, các cơ quan báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự là lực lượng xung kích, tiên phong trong định hướng thông tin chính thống , dẫn dắt dư luận xã hội. Điển hình là Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Công Thương, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Xây dựng Đảng… đã xây dựng được các chương trình, chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, khẳng định được thương hiệu và kịp thời định hướng thông tin liên quan đến các vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
Nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội đã xây dựng các trang tin điện tử, trang nhóm trên mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ các thông tin tích cực trên báo chí chính thống, những gương người tốt việc tốt ở cơ sở, góp phần tạo thành dòng chủ lưu thông tin tích cực, lấn át dòng thông tin tiêu cực, xấu độc trên Internet, mạng xã hội.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan tổ chức thành công 3 Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong các năm 2021, 2022, 2023 và hiện nay đang tổ chức cuộc thi lần thứ tư năm 2024. Cuộc thi thực sự trở thành điểm nhấn nổi bật về chính trị - tư tưởng, có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cuộc thi không chỉ có sức lan tỏa rộng rãi và sâu sắc mà còn góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, cung cấp, sử dụng Internet, mạng xã hội và kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng Internet, mạng xã hội vi phạm pháp luật. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường lan tỏa, chia sẻ thông tin tốt, thông tin tích cực, chủ động cảnh báo đến người dân về tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc, các quan điểm sai trái, thù địch, các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạn tài sản trên Internet, mạng xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
(Còn nữa)
Kỳ sau: Tiếp tục củng cố trận địa, bảo vệ từ sớm, từ xa