Bài 3: Minh bạch để nông lâm sản Việt tiến sâu vào thị trường EU
Xây dựng chuỗi giá trị bền vững
Theo kế hoạch, vào khoảng tháng 12/2024 hoặc tháng 1/2025, dự luận Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR - EU Deforestation-free Regulation) sẽ có hiệu lực, riêng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng chính sách trì hoãn 6 tháng sau thời gian hạn này.
Giảm mất rừng là một con đường quan trọng không chỉ để tuân thủ các quy định và xu hướng của thị trường mới mà còn để đảm bảo sản xuất bền vững. |
Bà Kin Yii Young - Cố vấn kỹ thuật cao cấp khu vực UNDP - chia sẻ, khi các nguyên nhân mất rừng nằm sâu trong chuỗi cung ứng, cần phải có các giải pháp sáng tạo và hợp tác. Giảm mất rừng là một con đường quan trọng không chỉ để tuân thủ các quy định và xu hướng của thị trường mới mà còn để đảm bảo sản xuất bền vững.
Còn theo ông Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất Các Chính sách về Khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội - Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Việt Nam không có nguy cơ quá cao về quy định mới này của EU bởi trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này.
Như với ngành gỗ, ông Rui Ludovino nhận định, Việt Nam đang triển khai thực thi Hiệp định Đối tác Tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản với Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT). Đây được đánh giá là lợi thế.
“Ngành gỗ và ngành cà phê sẽ là 2 ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ quy định mới này. Làm thế nào để chứng minh các mắt xích của chuỗi cung ứng không gây mất rừng. Về phía EU sẽ ban hành những hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên, về phía Việt Nam cũng cần có những sự chuẩn bị nhất định”, ông Rui Ludovino chia sẻ.
Theo dự luật mới của EU, tất cả các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm khác từ rừng vẫn được xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp phải chứng minh một cách đầy đủ, rõ ràng các sản phẩm này không làm ảnh hưởng và không làm phá rừng tự nhiên. |
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) cho hay, VPA/FLEGT là cần nhưng chưa đủ. Bởi theo dự luật mới của EU, tất cả các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm khác từ rừng vẫn được xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp phải chứng minh một cách đầy đủ, rõ ràng các sản phẩm này không làm ảnh hưởng và không làm phá rừng tự nhiên.
Mặc dù chúng ta đã có Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) được quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP và một số văn bản dưới luật. Tuy nhiên, Nghị định này cần phải được bổ sung, hoàn thiện thêm những điều mà EU và các đối tác khác yêu cầu.
Thay vì đưa ra các chính sách hoàn toàn mới để đáp ứng các yêu cầu quốc tế và đang được quan tâm như Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam – khuyến nghị, bước tiếp theo Việt Nam cần làm là xem các hệ thống và khuôn khổ chính sách hiện nay có thể kết nối được với các quy định mới này như thế nào và làm thế nào để cải thiện các hệ thống này, hướng tới những thay đổi trực tiếp nhằm chuyển đổi sáng tạo, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.
Cùng theo ông Patrick Haverman, các bên liên quan như người tiêu dùng, công ty thương mại và các tổ chức tài chính có vai trò nổi bật trong việc định hình thị trường cũng như tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, từ đó sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng và sản xuất bền vững.
Các nông hộ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu các quy định về không gây mất rừng và bền vững được áp dụng do quá trình thẩm định nghiêm ngặt và tốn kém. Vì vậy, cần kết hợp các biện pháp để hỗ trợ và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương này.
Minh bạch để đi xa
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) được thực thi đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan, để thích ứng với yêu cầu từ thị trường xuất khẩu, sản xuất và thương mại nông sản phải được định hướng phát triển bền vững theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện mình thì các doanh nghiệp cần minh bạch để đi xa hơn |
Thách thức cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng xuất khẩu nông lâm sản sang thị trường EU trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác Công - Tư nhằm tận dụng tối đa cơ hội, hóa giải các thách thức và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt tại thị trường EU nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung.
“Hợp tác Công – Tư này cần có sự thay đổi về chất, trong đó, nhấn mạnh vai trò của chính quyền và các tổ chức địa phương là “bà mối” để ghép nối hai mảnh ghép doanh nghiệp và người nông dân lại với nhau”, bà Trần Thị Quỳnh Chi - Giám đốc khu vực châu Á – Chương trình cảnh quan bền vững, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) của Hà Lan khuyến nghị.
"Quy định trên thể hiện rõ nét sự biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Chúng ta không dùng từ “bị” nữa, đây là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại toàn bộ ngành hàng, thậm chí cả một nền nông nghiệp, hình ảnh đất nước", ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định. Đồng thời đề nghị các hiệp hội, ngành hàng kích hoạt quan hệ hợp tác Công - Tư, trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nông dân.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thái Vĩnh Hiệp – Chủ tịch thành viên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp chia sẻ, hiện các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cũng bắt đầu xây dựng nền tảng chuyển đổi số và số hóa toàn bộ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, từ đó, giúp cho người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế biết được họ uống một ly cà phê của Việt Nam có nguồn gốc ở đâu, sản xuất, chế biến như thế nào. Đây là con đường tiến tới tương lai của doanh nghiệp, vì vậy, bên cạnh việc rà soát, hoàn thiện mình thì cần minh bạch để đi xa hơn.
Chế biến gỗ |
Ngày 27/7/2021, ngay tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước,…
Ngày 19/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. So với giai đoạn trước, Chiến lược được xây dựng trên quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 19/11/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 cũng hướng tới mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để phát thải ròng bằng 0 thì tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải hành động.
Các chuyên gia nhận định, vấn đề cần nhìn nhận không chỉ bó hẹp ở “barie” xanh tại thị trường EU mà cần nhìn rộng hơn đó chính là câu chuyện xuất khẩu bền vững.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần phải có những nhận thức rõ ràng về vấn đề này, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường. Trong đó tập trung đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật… nhằm tiếp cận các thị trường “khó tính”, trong đó có EU.
Đây cũng là giải pháp dài hơi, giúp các ngành hàng nông lâm sản xuất khẩu đứng vững trước biến động thị trường, biến đổi khí hậu và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.