Ảnh minh họa |
Nó còn có ý khi nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang tăng nhanh, nhất là trong bối cảnh các nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt; biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo; hệ số đàn hồi Điện/GDP năm 2016 là 1,7 vẫn còn khá cao so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức, quan điểm... phù hợp với chính sách phát triển của quốc gia ở từng thời kỳ, và khi áp dụng Thông tư số 07/2012 của Bộ Công Thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, qua thời gian, đã có nhiều điều khoản không hợp lý gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhập khẩu như thủ tục nhiều, rườm rà, tốn kém thời gian, chi phí; yêu cầu về mẫu kiểm tra chưa hợp lý... Trong khi năng lực, cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng trong nước còn hạn chế; hiệu lực của giấy chứng nhận quá ngắn.
Trước những bất cập này, cũng như thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc xây dựng Dự thảo sửa đổi, tổ chức hội thảo, hội nghị, tham vấn lấy ý kiến rộng rãi công khai của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước... Kết quả là ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07 trước đó.
Quyết định này đã được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, các tổ chức quốc tế hoan nghênh đánh giá cao, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vô cùng hoan hỉ. Trong số những khen ngợi đó, có lá thư của Đại sứ Michalak - Phó Chủ tịch cao cấp Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN gửi cho lãnh đạo Bộ Công Thương. Đại sứ Michalak đã bày tỏ vui mừng vì Bộ Công Thương đã lắng nghe, thấu hiểu và tiếp thu các ý kiến một cách cầu thị trong sự tôn trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới từ tư duy đến hành động; loại bỏ những điều kiện, “rào cản” bất hợp lý, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh và niềm tin quốc gia trên trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Có thể khẳng định, việc Thông tư 36/2016/TT-BCT ra đời cùng với việc bãi bỏ hàng trăm thủ tục hành chính khác, Bộ Công Thương đã hiện thực hóa những cam kết cùng xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.