Xuất khẩu gạo Việt Nam có thêm nhiều cơ hội khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập |
Đường lối hội nhập quốc tế của Đảng ta mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế đã xuyên suốt chiều dài lịch sử, kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI và được hoàn thiện qua từng kỳ Đại hội cho đến nay. Cụ thể là bắt đầu từ quan điểm Đổi mới và mở cửa nền kinh tế tại Đại hội VI, tới Đại hội VII, Đảng ta định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế”. Tại Đại hội VIII, quan điểm “hội nhập” là nhằm “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tại Đại hội X, Đảng ta đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Đại hội XI của Đảng đã đề ra chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế, là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, trong đó tiếp tục khẳng định: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế”. Quan điểm này khẳng định vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình hội nhập chung của đất nước như trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa X đã nêu rõ “Hội nhập kinh tế quốc tế cần được đặt trong mối quan hệ hài hòa với hội nhập trong các lĩnh vực khác nhưng hội nhập kinh tế quốc tế phải là trọng tâm, là nội dung chính, quan trọng nhất của tiến trình hội nhập. Hội nhập kinh tế quốc tế cần đi trước một bước để tạo cơ sở, thúc đẩy hội nhập và hợp tác trong các lĩnh vực khác”.
Thực hiện đường lối của Đảng, chúng ta đã: Chủ động đơn phương cải cách hệ thống thể chế và pháp luật trong nước, tạo nền tảng cho hội nhập kinh tế quốc tế; ký kết một số hiệp định song phương theo chuẩn mực quốc tế mà nổi bật là Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ; chủ động tham gia các tổ chức quốc tế và đa phương mà nổi bật là việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007; tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác, các cấu trúc kinh tế khu vực, trong đó ASEAN, APEC, ASEM… Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục tham gia sâu rộng hơn trong các hiệp định thương mại tự do có tính chất liên kết khu vực mạnh mẽ, như FTA Việt Nam- EU, TPP, RCEP. Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint) đã được thông qua vào tháng 1 năm 2007 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 12. Trong 506 biện pháp AEC, Việt Nam đã thực thi đầy đủ 483 biện pháp, đạt tỷ lệ 95,5% (chỉ đứng sau Singapore). Việt Nam cũng đã thực thi 31 biện pháp ưu tiên, còn 23 biện pháp chưa thực thi. Trong 611 biện pháp AEC (bao gồm cả ưu tiên cao), Việt Nam thực thi đầy đủ 517 biện pháp, đạt tỷ lệ 84,6% (đứng sau Singapore và Thái Lan).
Như vậy có thể thấy, kể từ khi bắt đầu triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC từ năm 2008 đến nay, Việt Nam luôn là thành viên nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết ASEAN, và thuộc nhóm các nước có tỷ lệ thực thi cao nhất (thường cùng với Singapore, Malaysia). Một số biện pháp còn lại cần phải hoàn thành chủ yếu thuộc các lĩnh vực tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và giao thông vận tải là những lĩnh vực mà Việt Nam và các nước ASEAN gặp nhiều khó khăn hơn khi triển khai trong nước.
Việt Nam đã chủ động đơn phương cải cách hệ thống thể chế và pháp luật trong nước, tạo nền tảng cho hội nhập ASEAN. Công tác thông tin về ASEAN và Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được tăng cường và triển khai rộng khắp nhằm chuẩn bị nhận thức xã hội cho mục tiêu AEC vào cuối năm 2015, song song với đàm phán, ký kết, triển khai các hiệp định, các bộ, ngành liên quan đã thường xuyên tiến hành tham vấn doanh nghiệp, tổ chức các hình thức thông tin, tuyên truyền giới thiệu về nội dung cam kết và AEC. Mặc dù các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực song do hạn chế về nguồn lực và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan nên công tác thông tin, tuyên truyền thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Về hàng hóa, ngày 1/1/2015, chúng ta đã hoàn thành loại bỏ thuế quan đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế trong Biểu thuế xuất nhập khẩu. Còn lại khoảng 7% số dòng thuế (tương đương 669 dòng) sẽ tiếp tục phải đưa về 0%. Tuy nhiên, số dòng thuế này được linh hoạt kéo dài thời gian hoàn thành tới năm 2018. Đây chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, xe máy và phụ tùng linh kiện, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, vật liệu xây dựng… Theo dự kiến, khi hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2018, Việt Nam sẽ tự do hóa 98,01% tổng số dòng thuế.
Về dịch vụ, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN ký kết 9 gói cam kết về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định Khung ASEAN về thương mại dịch vụ. Hiện các nước ASEAN đang xây dựng Gói cam kết thứ 10 (gói cam kết cuối cùng) với mục tiêu hoàn tất vào cuối năm 2015. Các cam kết về dịch vụ nhìn chung được thiết kế dựa trên các cam kết trong WTO với một số cam kết mở rộng phù hợp với thực tiễn nhu cầu phát triển kinh tế của nước ta trong lĩnh vực logistics, du lịch,…
Về đầu tư, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN được ký kết năm 2009 và có hiệu lực năm 2012. Các cam kết về đầu tư trong ASEAN phù hợp với Hiến pháp và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam bao gồm Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014. Đến nay, Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ đặt ra của Hiệp định.
Ngành Dệt may có nhiều lợi thế khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập |
Theo đánh giá của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, việc thực thi các cam kết nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng AEC, đặc biệt các cam kết về cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sẽ có tác động nhất định đến các ngành kinh tế. Một số lĩnh vực có cơ hội mở rộng thị trường và một số ngành sẽ bị cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là những tác động đã được dự báo trước. Chính phủ kiên định chủ trương bảo hộ có thời hạn, có điều kiện để buộc các doanh nghiệp phải cải cách, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả vì lợi ích của toàn xã hội. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến dần theo hướng tích cực, được nâng cao cả về chất lượng và giá trị. Các sản phẩm chúng ta đã từng bước mở cửa, tự do hóa trong ASEAN thời gian qua sẽ không chịu tác động lớn, một số ngành như sữa, vật liệu xây dựng, thép… có thêm cơ hội mở rộng thị trường ra khu vực. Những ngành sẽ chịu tác động từ cạnh tranh trong ASEAN thuộc nhóm sản phẩm nhạy cảm cao được hưởng hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan trong suốt thời gian qua, đặc biệt đường, ôtô… Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giá trị thương mại dịch vụ nội khối ASEAN chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, dưới 20% tổng kim ngạch trao đổi thương mại nội khối. Các cam kết về thương mại dịch vụ của Việt Nam trong ASEAN đều trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và về cơ bản, các cam kết dịch vụ tới thời điểm hiện nay không cao hơn nhiều mức cam kết WTO ngoại trừ trong một số lĩnh vực để phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu của nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang duy trì các rào cản quan trọng nhất trong các ngành nhạy cảm (viễn thông, tài chính, ngân hàng, phân phối, năng lượng v.v.) so với cam kết WTO. Trong lĩnh vực đầu tư, thị trường hàng hóa thống nhất và khuôn khổ pháp lý hài hòa về đầu tư là tiền đề để thúc đẩy đầu tư nội khối cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực. ASEAN hiện đang là nhà đầu tư thứ hai của Việt Nam và là địa bàn đầu tư chủ yếu của doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, các thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng phải luôn trong tiến trình cải cách để nâng cao sức hấp dẫn, thông thoáng và minh bạch của môi trường đầu tư nước mình, cạnh tranh với những láng giềng trong thu hút các nguồn vốn quốc tế.
Việt Nam sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp AEC còn lại của năm 2015 và thực hiện thành công Kế hoạch tổng thể AEC 2025 trong 10 năm tới, với phương châm tích cực và chủ động, Việt Nam và các nước thành viên đã và đang có sự chuẩn bị nghiêm túc cho chặng đường phía trước của AEC.
TIN LIÊN QUAN | |