Bám sát mục tiêu chiến lược
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành) sử dụng vốn ODA Nhật Bản |
Hiệu quả tích cực
Theo đánh giá của Chính phủ, giai đoạn 2011 - 2015, các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những chuyển biến tích cực. Bên cạnh nguồn lực trong nước, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Do đó, chính sách viện trợ vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ có nhiều thay đổi, chuyển đổi căn bản từ quan hệ viện trợ phát triển sang quan hệ đối tác. Vì vậy, cần có chính sách và giải pháp thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nhằm tạo nguồn vốn gối đầu và tiền đề bền vững cho giai đoạn sau năm 2020.
Bên cạnh đó, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 - 2015 sang thời kỳ 2016 - 2020 còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD, trong đó phần lớn là những dự án đầu tư của nhóm 6 Ngân hàng Phát triển với các khoản vay ODA ưu đãi. Do vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ 2016 - 2020 là phải tập trung cao độ để hoàn thành các chương trình, dự án theo đúng tiến độ và thời hạn cam kết.
Tập trung vào lĩnh vực ưu tiên
Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển đô thị, nông nghiệp - nông thôn, môi trường... Căn cứ tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đã ký kết, dự kiến nguồn vốn giải ngân trong 5 năm đạt khoảng 25 - 30 tỷ USD, bình quân năm đạt 5 - 6 tỷ USD, tăng 14% so với thời kỳ 2011 - 2015 và chiếm khoảng 55 - 66% vốn đầu tư phát triển huy động từ bên ngoài.
Để thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời kỳ 2016 - 2020, Chính phủ sẽ là đầu mối quản lý nhà nước các nguồn vốn này dựa trên cơ sở phân cấp gắn liền với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp, có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật; chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát các mục tiêu chiến lược nợ công và nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích sự phân công lao động và bổ trợ giữa các nhà tài trợ trong việc cung cấp nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong khuổn khổ các chương trình hợp tác phát triển chung, đồng tài trợ theo ngành, lĩnh vực và địa bàn lãnh thổ.
Nguồn vốn ODA giữ vai trò quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam thúc đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. |