Mô hình bán lẻ sẽ dần thay đổi trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 |
Thu hẹp mô hình bán lẻ truyền thống
Doanh thu bán lẻ tại Việt Nam năm 2017 đạt 129 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016. Với dân số hơn 90 triệu người, gần 70% ở độ tuổi lao động, 34% sinh sống ở đô thị và GDP khoảng 2.385 USD/người/năm, thị trường bán lẻ được đánh giá là có tiềm năng phát triển, nhất là tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình - Trưởng bộ phận Bán lẻ, Savills TP. Hồ Chí Minh (Savills Việt Nam) - cho rằng, việc Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam đã đánh dấu bước chuyển quan trọng theo hướng mô hình bán lẻ được quyết định bởi hành vi của chính người tiêu dùng (NTD).
Theo phân tích của các chuyên gia, suốt 2 thập kỷ qua, tại Việt Nam, mô hình Department Store (bách hóa tổng hợp) đã tạo được tiếng vang khi đưa đến những xu hướng mua sắm mới. Dẫn chiếu ngay trường hợp của Parkson, trước khi thu hẹp mạng lưới của mình, DN này đã có thời kỳ phát triển rực rỡ trong giai đoạn năm 2005 - 2010. Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh theo hướng Department Store bắt đầu bộc lộ một nhược điểm, nhất là khi hình thức Shopping Mall (trung tâm mua sắm) kiểu mới xuất hiện với nhiều chức năng, từ mua sắm đến giải trí.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng, một trong những lý do khiến mô hình bán lẻ truyền thống bị "lấn át" đến từ sự xuất hiện của e-commerce (thương mại điện tử - TMĐT). Dù tại Việt Nam, mức độ tác động của loại hình TMĐT chưa nhiều, nhưng rõ ràng, NTD ngày càng quen thuộc với việc sử dụng internet, thiết bị điện tử và xu hướng thanh toán bằng thẻ tín dụng… - những thành tố quan trọng để thúc đẩy và thay đổi thị trường bán lẻ Việt Nam.
Hướng đến bán lẻ đa kênh
Công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt là xu hướng đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình Shopping Mall hoặc Omni-channel (bán lẻ đa kênh) tích hợp các công nghệ quản lý, vận hành hiện đại và công cụ tiếp thị mới sẽ là xu thế tất yếu. Sớm nắm bắt xu hướng này, nhiều nhà bán lẻ trong nước đã bước đầu thử nghiệm áp dụng công nghệ vào các khâu trong chuỗi hoạt động của mình. Điển hình như Saigon Co.op, cuối năm 2017 đã chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ, như: Thanh toán tự động ở phân khúc cao; phát triển phục vụ đa kênh và đang hình thành cụm vận hành tự động hóa nhà kho kết nối logistics thông minh. Lotte Mart cũng đang xem xét, nghiên cứu triển khai các ứng dụng, phần mềm mua sắm, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, nhằm gia tăng sự tiện dụng cho khách hàng. Trong khi đó, Central Group (gồm những thành viên Nguyễn Kim Trading) hay Big C… cũng đang có những chiến lược phát triển theo xu hướng kết nối công nghệ.
Ông Lều Hồng Dương - Giám đốc vận hành Nguyễn Kim Trading - nhấn mạnh, khi sự tương tác mua - bán hàng trên mạng chiếm ưu thế, dẫn đến thay đổi hành vi mua sắm thì dịch vụ bán lẻ không chỉ nhanh, hiệu quả mà phải dễ dàng, đơn giản và được tích hợp đa phương tiện. Những bước chuyển tiệm cận dần với nền tảng công nghệ mới của các nhà bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khuyến nghị được đưa ra là, thế mạnh không đến từ nguồn lực tài chính mà từ tư duy đổi mới.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dẫn dắt bởi khoa học, công nghệ mang tính trí tuệ toàn cầu nên sẽ không có "đặc quyền" nào cho DN nói chung, DN bán lẻ nói riêng, các đơn vị cần có chiến lược vận dụng công nghệ trong hoạt động của mình. |