Bàn phương án tối ưu cho khai thác thủy hải sản sau sự cố môi trường biển
Tham gia hội nghị có ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lãnh đạo bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cùng các ban ngành liên quan.
Tại hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT đã trình bày Công văn 6851 về việc hướng dẫn kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung. Qua đó, đã đưa ra các nguyên tắc xác định thiệt hại, đối tượng bị thiệt hại, thời gian tính thiệt hại, phương pháp xác định thiệt hại, cũng như các trình tự thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT còn đưa ra các hướng dẫn khai thác, giám sát sản phẩm hải sản, việc nuôi trồng thủy sản và nghề muối tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.
Liên quan đến việc khai thác thủy hải sản, Bộ NN&PTNT đưa ra 4 phương án để thảo luận. Thứ nhất, cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế). Thứ hai, cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm ba vùng biển, gồm các vùng biển cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh) với diện tích 300km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) với diện tích 330km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) với diện tích 160km2. Thứ ba là cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ. Cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh miền Trung đối với các nghề: lưới, kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy. Thứ tư là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển (lưu ý, trong thời gian Bộ Y tế chưa công bố hải sản khai thác tại bốn tỉnh hoàn toàn an toàn thì các địa phương khuyến cáo, vận động ngư dân chưa nên khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hải sản tầng đáy, rạn sang hô khu vực bị ảnh hưởng) và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo bốn địa phương đều thống nhất quan điểm chọn phương án thứ tư làm căn cứ cho việc khai thác thủy hải sản. Về Công văn 6851, lãnh đạo các tỉnh đề nghị nên bổ sung một số đối tượng vào danh sách được hỗ trợ như: hỗ trợ các tàu có lắp máy 90CV trở lên, các đối tượng liên quan dịch vụ sau đánh bắt như nghề làm mắm, ruốc, đan lưới, vá lưới, du lịch, dịch vụ, thương mại ven biển, các đối tượng thiệt hại gián tiếp cũng như cách đánh giá phạm vi cụ thể ở các cửa sông ven biển... nhằm tạo sự công bằng cho tất cả các ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho rằng, hai nhiệm vụ trọng tâm cần quan tâm hiện nay đó chính là kê khai thiệt hại, chuyển tiền hỗ trợ sản xuất sớm đến ngư dân sau sự cố môi trường biển. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân làm thế nào để ổn định sản xuất, đời sống sau sự kiện cá chết.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại hội nghị |
Về phương án hỗ trợ cho ngư dân, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - chia sẻ: Cứ để ngư dân đánh bắt, khi các tàu, thuyền cập bến, đơn vị chức năng nên tiến hành lấy mẫu hải sản xét nghiệm, nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận an toàn, đồng ý cho ngư dân tiêu thụ. Ông Đồng cũng đề cập thêm, số hải sản đông lạnh trong các kho cần phải xử lý. Cái nào tiêu thụ được thì cho tiêu thụ, cái nào cần tiêu hủy thì phải bắt tay xử lý ngay, làm một cách đồng loạt và triệt để tại các tỉnh, ông Đồng gợi ý thêm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết: Bộ NN&PTNT đã và đang xây dựng một đề án tổng thể, tập hợp tất cả các nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành. Theo đó, Bộ NN&PTNT làm nhiệm vụ tổng hợp lại thành một đề án tổng thể về xác định thiệt hại, đề xuất phương thức bồi thường thiệt hại và đặc biệt có giải pháp khôi phục môi trường, hệ san hô và đưa ra các giải pháp hỗ trợ việc làm, tạo việc làm tại chỗ cho ngư dân, chuyển đổi nghề… tạo điều kiện kịp thời cho ngư dân ổn định đời sống. Đề án này đã được Bộ NN&PTNT hoàn thiện và trình Chính phủ để xin chủ trương, trong tháng 9 sẽ lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, Bộ, ngành và dư luận. Đến 15/9 sẽ tổng hợp lại các ý kiến, cuối tháng 9/2016 Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan sẽ tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phân bổ nguồn kinh phí bồi thường.