Sự kiện do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; cùng hơn 250 đại biểu là đại diện đến từ các Vụ, Cục thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; đại diện một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo một số Hội LHPN một số tỉnh, thành phố; doanh nghiệp và hội viên, phụ nữ thuộc các quận tại thành phố Hà Nội...
Nhiều mô hình tái chế rác thải nhựa được Hội phụ nữ các địa phương chia sẻ. Ảnh: Thu Hường |
Mục đích của diễn đàn nhằm kết nối các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, các chuyên gia, mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn cùng thảo luận, trao đổi, chia sẻ về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, những yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình phân loại và xử lý chất thải tại nguồn, mô hình sản xuất xanh bảo vệ môi trường. Qua đó, khẳng định vai trò của phụ nữ, cũng như xác định những khó khăn, thách thức trong các hoạt động bảo vệ môi trường hướng đến phát triển kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, tại Việt Nam, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước mỗi ngày khoảng gần 68 nghìn tấn, riêng khu vực đô thị phát sinh khoảng hơn 38 nghìn tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng gần 28 nghìn tấn/ngày; khoảng 3,9 triệu tấn rác nhựa mỗi năm, trong đó, có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon và hơn 80% số túi nilon đó bị thải bỏ chỉ sau một lần dùng.
Đáng chú ý, 70% chất thải rắn sinh hoạt ở nước ta được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt, vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, điều này đã gây lãng phí một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt có thể tái chế, tái sử dụng do người dân chưa có thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Thu Hường |
“Việc tái chế chất thải rắn sinh hoạt không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, là khâu quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về thực hiện việc phân loại rác tại nguồn và hiện thực hóa cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26” - bà Minh Hương nhấn mạnh.
Hiện, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam được đánh giá đứng thứ hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong đó tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 27,2%, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% và chiếm hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam. Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh, trong đó, nhiều doanh nghiệp nữ quyết tâm ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất theo hướng bền vững mang đến các dịch vụ về chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, các sáng kiến thúc đẩy tiêu dùng xanh, thể hiện trách nhiệm xã hội, đem lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng, góp phần quan trọng vào chu trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
“Với trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt thông qua cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Chính phủ với nhiều giải pháp toàn diện thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của chị em trên khắp mọi miền đất nước"- bà Minh Hương cho hay.
Theo đó, các cấp Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho hội viên, phụ nữ và người dân trong việc thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở Việt Nam; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; khuyến khích các sáng kiến tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường, có giá trị thực tiễn cho cộng đồng góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững.
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong tái chế, tái sử dụng tài nguyên từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt của các cấp Hội phụ nữ được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng hướng tới đảm bảo thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường về quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ 01/01/2025.
TS. Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường - chia sẻ thông tin tại diễn đàn. Ảnh: Thu Hường |
Chia sẻ thông tin tại diễn đàn, TS. Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường - cho biết: “Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là yếu tố cơ bản để bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ chất thải để thực hiện chu trình phát triển kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển bền vững. Để làm tốt được việc đó, cần sự chung tay của cả cộng đồng, trong đó, vai trò của phụ nữ là yếu tố quan trọng việc phân loại rác tại nguồn và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành động tham gia tích cực của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sống”.
Diễn đàn được tổ chức 2 phiên: Vai trò phụ nữ và cộng đồng trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; phụ nữ tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại các phiên, đại biểu được nghe nhiều thông tin hữu ích về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, những lợi ích quan trọng từ việc phân loại chất thải và là khâu tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.
Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Thu Hường |
Các tham luận và ý kiến thảo luận của diễn đàn đã tập trung vào những vấn đề cụ thể như: Những thách thức trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng tại các địa phương; Vai trò tiên phong của phụ nữ trong phân loại rác thải tại nguồn; Kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hướng đến xây dựng kinh tế tuần hoàn; Mô hình hiệu quả trong phân loại, xử lý chất thải hữu cơ bằng men vi sinh bản địa góp phần bảo vệ môi trường Vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông; Bài học kinh nghiệm của một số quốc gia về phân loại chất thải rắn sinh hoạt...
Diễn đàn cũng đề xuất các giải pháp góp phần quyết những vấn đề đặt ra về xử lý rác thải rắn sinh hoạt, phân loại rác thải, phát triển những mô hình kinh tế tuần hoàn để chung tay giảm nhựa, giảm ô nhiễm môi trường và hành động thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020.