Báo chí thời nay khác xưa nhiều lắm, trong đó phóng viên cảm nhận rõ nhất là động từ "chạy". Xưa, phóng viên tác nghiệp cũng chạy nhưng tốc độ chậm, nay mà chạy chậm là coi như "hít khói" của đồng nghiệp, của các báo khác.
Khoảng 20 năm trước, để có được một bài viết đăng báo, phóng viên phải trần ai đến tận nơi ghi chép, chụp ảnh sau đó viết tay và bản thảo chuyển bằng máy bay ra Hà Nội đăng báo. Những chuyến đi công tác tới tận cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang), rừng núi khu vực tỉnh Lâm Đồng hoặc theo ghe ra biển ở Bình Thuận câu tôm sú giống…đều để lại trong tôi những ấn tượng khó phai.
Bản thảo thường được tôi viết ở nhà trọ, nhà dân, trên những nẻo đường cái quan và ra bưu điện gửi cho tòa soạn. Một bài báo viết có khi cả tuần nhưng bạn đọc đón nhận và phản hồi rất tích cực. Nhiều bạn đọc đã không quên động viên người làm báo luôn giữ nghị lực, “bút sắc lòng trong” và đây là động lực để nhà báo chúng tôi thêm yêu nghề.
Tác giả tác nghiệp trên đỉnh đèo Hải Vân trong một chuyến công tác ở miền Trung 2018 |
Hiện tại, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng phát triển kỹ thuật công nghệ đã thúc đẩy lĩnh vực thông tin, truyền thông, báo chí phát triển như vũ bão. Người làm báo thời nay truyền tải thông tin đến bạn đọc theo kiểu đa phương tiện (báo giấy, báo hình, báo điện tử) và tính thời sự tính bằng phút giây, vì thế hầu hết phóng viên đều phải chạy nước rút để cạnh tranh.
Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng với thế giới, do đó người viết báo về kinh tế không chỉ biết chạy nhanh mà đòi hỏi phải “sõi” nghề thì mới đáp ứng được công việc tòa soạn giao.
Tính đến nay, 23 năm nền kinh tế Việt Nam hội nhập với các nước, kể từ khi vào Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), các diễn đàn Á - Âu (ASEM), châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Liên minh Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Khu vực thương mại tự do châu Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA vừa được Quốc hội thông qua… là những núi thông tin ngồn ngộn buộc phóng viên phải am tường, chắt lọc và truyền tải sớm nhất đến người đọc.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, các thông tin đều mở, người ta có thể qua một cái nhấp chuột là biết nhiều thứ ở trên thế giới, vậy nhà báo có còn cần với bạn đọc không? Xin nói ngay bạn đọc, nhất là người làm kinh doanh rất cần thông tin từ báo chí. Bởi vì qua tay phóng viên thông tin nóng mang tính chắt lọc và tổng hợp, độ chuẩn cao, đáp ứng được nhu cầu của chính họ. Và để độc giả không quên mình, nhà báo buộc phải vừa chạy bằng hai chân vừa bắt não chạy nước rút để có thông tin hay hầu người mua báo.
Để truyền thông về EVFTA đang nóng hổi, phóng viên thực hiện phỏng vấn lấy tin về cảm nhận, đánh giá của chuyên gia, các nhà sản xuất, kinh doanh thương mại, xuất khẩu, tiểu thương, người tiêu dùng…về mối giao thương giữa Việt Nam với EU, kết qủa thu được hay đến lạ lùng.
Chị tiểu thương ở chợ Bến Thành nói rằng, khi hàng hóa phương Tây không còn chịu thuế, người Việt mình tha hồ xài đồ hiệu ngoại nhập. Hàng Tây nhiều, giá rẻ, đông người mua thì doanh thu cao đương nhiên lãi nhiều hơn. Khi bàn về EVFTA, các chuyên gia nói chữ, người làm xuất nhập khẩu không vui cũng chả buồn vì lãi trên mỗi chuyến hàng được ấn định phần trăm, cái đỡ phức tạp hơn là đỡ phải cập nhật, tra cứu thuế.... Các nhà sản xuất hàng hóa trong nước họ rất vui vì hàng xuất đi Châu Âu không còn áp lực bởi thuế quan, hàng Việt rộng cửa “đầu ra” và cơ hội làm ăn lớn hơn.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan kiểm tra “lý lịch” phóng viên Vuasanca trong một lần tác nghiệp tại Vương quốc Thái Lan năm 2017 |
Để có được những thông tin trên, phóng viên phải “đàm đạo” với chủ nguồn tin hàng giờ về hàng trăm mặt hàng, hàng nghìn dòng thuế, những định chế đã được thông qua hay chưa áp dụng…Và những thông tin khi đăng được trên báo, phóng viên buộc phải giảm giờ ngủ, dành thời gian để cân đong, chọn lọc những thông tin tốt, chính xác dành cho bạn đọc, vốn là người bạn của báo đồng thời còn là “bậc thầy” vê sự hiểu biết của người viết báo.
Báo chí trong thời kỳ hội nhập, mỗi tòa soạn buộc phải nâng tầm, riêng đôi ngũ phóng viên chắc chắn phải tự làm mới mình, năng động và đủ khả năng “chịu nhiệt” với công việc trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với đồng nghiệp, với các báo và với cả nhà báo robot (trí tuệ nhân tạo) khi tác nghiệp trong tương lai. Vốn thường “trâu chậm thì uống nước đục”, đã làm phóng viên không ai muôn tụt lại phía sau. Vì thế phóng viên chỉ còn cách “chạy” nhanh để có những loại thông tin chuẩn hay, điều mà độc giải luôn đòi hỏi.