Ông Yang Kun Hsiang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam - trả lời báo chí nhân dịp 25 năm thành lập công ty |
Sau khi cùng xem các hình ảnh về những ngày đầu tiên tới Việt Nam và chọn Đồng Nai làm nơi đặt nền móng phát triển, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam Yang Kun Hsiang bồi hồi nhớ lại: Năm 1991 Vedan được cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột ngọt, nhà máy tinh bột mì, nhà máy acid, nhà máy nhiệt điện có trích hơi, cảng quốc tế chuyên dùng, khu hành chính, nhà ăn, cư xá và đưa vào vận hành năm 1994.
Tới nay, qua hơn 25 năm hoạt động, ngoài việc tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều nông dân Việt Nam thông qua việc trồng tỉa và tiêu thụ nông sản (đường thô, mật rỉ, sắn, tinh bột, muối công nghiệp), Vedan còn tạo dựng cuộc sống ổn định và có thu nhập cao cho hơn 3.800 công nhân viên đang làm việc trực tiếp tại công ty. Hiện mỗi năm công ty đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 300 tỷ đồng.
“Năm 2016, Vedan đạt tổng doanh thu hơn 300 triệu USD, trong đó 140 triệu USD từ nguồn hàng xuất khẩu. Năm 2017, công ty phấn đấu đạt mức tăng trưởng hơn 15% và tạo thêm 6 loại sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Yang Kun Hsiang thông tin thêm.
Một góc nhà máy xử lý nước thải của Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam |
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, trong quá trình kinh doanh, do quy chuẩn thiết bị kỹ thuật, Vedan cũng đã từng trải qua sự cố môi trường năm 2008.
"Sự cố này đã làm phiền lòng Chính phủ và nhân dân Việt Nam, công ty xin nhận trách nhiệm và một lần nữa chân thành xin lỗi người dân Việt Nam", ông Yang Kun Hsiang thắng thắn nhìn nhận và nhấn mạnh "từ kinh nghiệm này, chúng tôi cầu thị và quyết tâm lấy ưu tiên môi trường là triết lý kinh doanh. Yếu tố sống còn của Vedan là phải bảo vệ được môi trường. Hiện tại, công ty đặc biệt chú trọng việc đầu tư, trang bị thêm công nghệ tiên tiến để cải thiện hệ thống xử lý nước và rác thải. Công ty đã đạt được chứng nhận ISO 14001 về bảo vệ môi trường, OHSAS 18001 về an toàn lao động, ISO 50001 về hệ thống quản lý năng lượng".
Trả lời câu hỏi của phóng viên Vuasanca nguyên nhân nào để Tập đoàn Vedan đầu tư vào Việt Nam và hiệu quả sau 25 năm đầu tư như thế nào? Tổng giám đốc Yang Kun Hsiang nhìn nhận, có 5 nguyên nhân để Tập đoàn Vedan đầu tư vào Việt Nam là do Việt Nam có lợi thế về địa lý gần thị trường các nước ASEAN và Trung Quốc; nguyên liệu có sẵn vì Việt Nam là quốc gia về nông nghiệp; Việt Nam có thị trường hơn 93 triệu dân và dân số trẻ; nguồn nhân lực dồi dào, có tinh thần cầu tiến, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật; Chính phủ, các Bộ ngành minh bạch trong điều hành, luôn hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Sau 25 năm thành lập, Vedan hiện là doanh nghiệp FDI hàng đầu tại Việt Nam không chỉ về hiệu quả kinh tế mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội.
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện quan điểm “Phát triển từ xã hội, đóng góp cho xã hội" và tinh thần “Tương thân tương ái". Mỗi năm Vedan đều trích hơn 4 tỷ đồng tài trợ cho Quỹ Khuyến học Đồng Nai, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng nhà tình nghĩa, khám bệnh từ thiện, cứu trợ đồng bào bị thiên tai…
“Suốt 8 năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục và đầu tư mạnh mẽ cho công tác bảo vệ môi trường, nhưng chúng tôi chưa chủ động mở cửa thông tin để chia sẻ với báo chí và nhân dân Việt Nam biết những khắc phục mà công ty đã dày công nỗ lực. Chúng tôi cam kết, sắp tới đây sẽ mở cửa công khai thông tin với báo chí để người dân Việt Nam hiểu hơn về những nỗ lực khắc phục, nỗ lực bảo vệ môi trường và quá trình phát triển những năm tiếp theo của Vedan tại Việt Nam” - Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Vedan Ko Chung Chih khẳng định.
Sau 25 năm thành lập, Vedan đã đầu tư trên 540 triệu USD vào Việt Nam, hình thành quy mô như một khu công nghiệp nhỏ gồm các ngành sản xuất acid amin, tinh bột biến tính, tinh bột nước đường, hóa chất cơ bản và ngành hàng tiêu dùng. Vedan đã mở rộng thêm nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành trong cả nước; tạo dựng hệ thống đại lý, các kênh phân phối tiêu thụ trên toàn quốc và vươn ra thị trường khu vực châu Á. |