Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em Đắk Nông: Tai nạn đuối nước khiến 4 cháu nhỏ tử vong Đắk Lắk: Cùng bạn đi chơi tại hồ sen, một bé gái đuối nước tử vong |
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, khiến nhiều trẻ em tử vong. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương và các gia đình ở các địa phương cần có giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ.
Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm
Vào khoảng 13h30 ngày 24/3, hai cháu Tr. (12 tuổi) và T. (12 tuổi) cùng trú tại xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đến tắm tại khu vực đập Đăk Yên thuộc thôn 1, xã Hòa Bình.
Khi đến nơi, hai cháu xuống tắm thì bất ngờ bị đuối nước. Thời điểm đó, người dân phát hiện đã hô hoán ứng cứu và thông báo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an tỉnh Kon Tum.
Tuy nhiên, do mực nước sâu nên việc tìm kiếm 2 học sinh bị đuối nước gặp rất nhiều khó khăn. Sau một tiếng tiến hành công tác tìm kiếm, đến khoảng lúc 15h cùng ngày, lực lượng đã tìm thấy thi thể của hai cháu gần khu vực bị đuối nước.
Đập Đăk Yên, xã Hoà Bình, thành phố Kon Tum nơi vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum |
Hay tại tỉnh Đắk Lắk, chiều 22/3, em N. (14 tuổi, học sinh lớp 7 tại Trường THCS Buôn Trấp) đi chơi với nhóm bạn tại khu vực Hồ Sen (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana).
Khi đang chơi với bạn, em N. bị trượt chân ngã xuống hồ. Nghe tiếng kêu cứu, một số người dân đi qua khu vực trên đã ứng cứu nhưng em N. đã không qua khỏi.
Trước đó, tại tỉnh Đắk Nông ngày 25/2, trên địa bàn xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước khiến 4 cháu nhỏ tử vong, các nạn nhân chỉ từ 4 - 6 tuổi.
Cụ thể, vào chiều tối ngày 25/2, hai gia đình tại thôn Nam Định, xã Đắk Gằn đi làm rẫy về thì không thấy các cháu nhỏ ở nhà nên tổ chức tìm kiếm. Đến khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, người dân phát hiện tại hồ chứa nước của một gia đình trong thôn có nhiều dấu hiệu bất thường nên kiểm tra thì phát hiện thi thể của cả 4 cháu nhỏ dưới hồ trong tình trạng đã tử vong (2 cháu cùng sinh năm 2017 và 2 cháu cùng sinh năm 2019, đều là người dân tộc Nùng).
Những vụ việc thương tâm kể trên đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng đuối nước trẻ em tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ được xây dựng để dự trữ nước phục vụ tưới cho các loại cây công nghiệp vào mùa khô, không có hoặc có nhưng sơ sài các hình thức rào chắn, bảo vệ, cảnh báo khu vực đuối nước.
Cùng với đó, một số gia đình chủ quan, không sát sao với con em, tâm lý trẻ thích vui đùa nên vào mùa khô, nắng nóng nên rủ nhau ra ao hồ, sông suối chơi đùa, tắm nhưng không được trang bị những kỹ năng về bơi lội, kỹ năng cứu đuối và sơ cứu đuối nước đúng cách… dẫn đễn xảy ra các vụ đuối nước trẻ em thương tâm.
Ngăn chặn “tử thần” dưới làn nước
Thực trạng đuối nước ở trẻ em ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên luôn nóng vào thời điểm bước vào cao điểm mùa khô, dù thời gian qua, các cấp, các ngành tại các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi… đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn thể xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk |
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, tính riêng trong năm 2022, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) và Công an cấp huyện đã tiếp nhận và thực hiện 17 yêu cầu cứu nạn cứu hộ sự cố đuối nước, trong đó có 3 vụ đuối nước trẻ em khiến 4 trẻ em bị tử vong.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em vẫn còn tồn tại, nhận thức về trách nhiệm đối với công tác phòng, chống đuối nước của một số cơ quan, tổ chức, hộ gia đình còn hạn chế, bị động, chưa hiểu rõ trách nhiệm, vai trò, chủ quan trong việc tổ chức thực hiện công tác này; một số bộ phận người dân, học sinh, sinh viên còn lơ là, chủ quan. Công tác tuyên truyền có đổi mới về hình thức và nội dung, tuy nhiên kinh phí phục vụ công tác còn hạn chế, nhất là việc xây dựng, lắp đặt rào chắn, biển báo, trang bị phương tiện cứu nạn cứu hộ dưới nước.
Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đuối nước xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em, trong thời gian tới, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; tổ chức cắm biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn; phát loa tuyên truyền, hướng dẫn người dân về những nguy cơ và biện pháp phòng tránh các sự cố, tai nạn có thể xảy ra.
Công an thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk phối hợp rà soát và cắm các biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước. Ảnh: Công an tỉnh Đắk Lắk |
Cùng với đó, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm về thực hiện các quy định liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ, những nơi vui chơi, lễ hội… Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em những kiến thức về công tác phòng, chống đuối nước và tổ chức các lớp kỹ năng về bơi an toàn cho trẻ em. Đổi mới hình thức truyền thông và xây dựng nội dung phù hợp, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2021 đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 6 vụ đuối nước ở trẻ em, làm 9 trẻ tử vong; Có trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tại các thác nước du lịch không có người lớn đi kèm…
Vì vậy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đắk Nông đã khuyến cáo người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ nước sâu... Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, nhân viên cứu hộ cứu nạn trực 24/7.
Tại tỉnh Kon Tum, nhằm phòng chống tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em (giai đoạn 2023 - 2030), nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an nhân dân với đơn vị liên quan, chủ động trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống đuối nước và kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước bằng nhiều hình thức đa dạng. Tổ chức các lớp huấn luyện bơi, lặn, cứu nạn, cứu hộ và kỹ năng sơ cấp cứu người bị đuối nước cho lực lượng Công an cấp xã, lực lượng dân phòng, đội ngũ giáo viên thể chất, đoàn viên thanh niên.
Ngoài ra, để phòng tránh và giảm thiểu tai nạn đuối nước một cách có hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội thì các cơ quan, ban, ngành cần tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích như các câu lạc bộ dạy bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhằm trang bị kiến thức và nâng cao kỹ năng bơi lội cho các cháu, qua đó góp phần hạn chế những tai nạn đuối nước thương tâm có thể xảy ra.