Kon Tum: Thêm một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao Độc lạ với 'báu vật' quần áo làm từ vỏ cây của người Xơ Đăng ở Kon Tum Múa chiêu - nét văn hoá đặc sắc của người đồng bào Hà Lăng ở Kon Tum |
Dân tộc Gié - Triêng là tộc người thiểu số cư trú chủ yếu tại hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và rải rác trên một số tỉnh, thành phố khác. Đây cũng là một trong số ít dân tộc ở Việt Nam có nền văn hóa dân gian đặc sắc, bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân khu vực Bắc Tây Nguyên.
Trang phục truyền thống chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Gié - Triêng. |
Trải qua bao dòng chảy của thời gian, người Gié - Triêng ở xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tới ngày hôm nay vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa cổ xưa như nhà rông, trang phục, cồng chiêng, ẩm thực, phong tục tập quán, các lễ hội. Trong đó, trang phục truyền thống chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc và là sản phẩm thể hiện sự khéo léo, thẩm mỹ của người phụ nữ dân tộc thiểu số Gié - Triêng.
Người đàn ông Gié - Triêng mặc khố còn kết hợp quấn tấm áo khoác ngoài chéo qua vai, đủ màu sắc. |
Nghệ nhân Y Két (67 tuổi, ở thôn Đăk Si, xã Đăk Dục) cho biết, từ xa xưa, người phụ nữ Gié - Triêng thường tranh thủ những lúc nông nhàn để dệt vải thổ cẩm. Khung cửi dệt vải của đồng bào nơi đây khá thô sơ, chỉ dệt được tấm vải khổ hẹp. Người dân thường trồng bông vào cuối tháng 4 và thu hoạch vào đầu tháng 10 (dương lịch). Bông sau khi thu hoạch, được phơi khô, sau đó xe thành sợi, đem nhuộm màu từ vỏ cây, quả tự nhiên rồi dệt thành sản phẩm váy, khố. Dưới bàn tay khéo léo, phụ nữ người Gié - Triêng đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống với hoa văn, màu sắc đặc trưng và kiểu dáng độc đáo.
“Trang phục của người dân tộc Gié - Triêng có nhiều loại khác nhau như váy, khố, tấm áo khoác, mũ, xà cạp. Tuy trang phục đơn giản, nhưng rất hấp dẫn, tạo nên sắc thái riêng mà khi nhìn vào không lẫn với các dân tộc khác” - nghệ nhân Y Két chia sẻ.
Cũng theo nghệ nhân Y Két, váy của phụ nữ Gié - Triêng được tạo nên từ hai tấm vải thổ cẩm, khâu ghép theo chiều rộng rồi khâu nối thành hình ống. Nền váy thường được sử dụng màu chàm hoặc đỏ, với các hoa văn trang trí kết hợp giữa hai màu chủ đạo là đỏ và đen, ngoài ra còn có các màu khác như trắng, vàng. Thiếu nữ Gié - Triêng, khi mặc váy thường quấn cao ngang nách, không có tay, cổ, để lộ vai trần khỏe khoắn. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm rất khác biệt so với trang phục của dân tộc khác. Còn những phụ nữ lớn tuổi thường mặc kín đáo hơn, với váy có tay, cổ, che hai bờ vai.
Phụ nữ Gié - Triêng mặc váy thổ cẩm, quấn thêm một tấm áo khoác lên vai. |
Ngoài mặc váy để lộ vai trần, nhiều phụ nữ Gié - Triêng còn quấn thêm tấm áo khoác bên ngoài. Nghệ nhân Y Ấp (55 tuổi, ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục) cho biết, tấm áo khoác là “đạo cụ” không thể thiếu của phụ nữ khi tham gia điệu múa xoang xung quanh cây nêu trước sân nhà rông. Lúc múa, tấm áo khoác có thể choàng lên vai tạo nét dịu dàng, nữ tính của các cô gái. Đồng thời, có thể linh hoạt tháo ra cầm ở hai đầu mép vải, tấm vải nhẹ nhàng chuyển động theo nhịp điệu cồng chiêng tạo nên sắc màu thổ cẩm đặc sắc. Khi mặc những bộ trang phục của dân tộc mình, phụ nữ nơi đây còn kết hợp đeo nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm.
Còn với đàn ông Gié - Triêng, khố là loại trang phục mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ và không thể thiếu trong dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của làng. Đây là loại khố hẹp, thân và các mép khố được viền, trang trí hoa văn độc đáo. Khi biểu diễn hoặc tham gia lễ hội, ngoài mặc khố, người đàn ông Gié - Triêng còn quấn thêm tấm áo khoác ngoài chéo qua vai, đủ màu sắc và có các sọc họa tiết trang trí đẹp mắt.
Bên cạnh khố và áo khoác, đàn ông Gié - Triêng còn có mũ đội đặc trưng của dân tộc. Điển hình như trong lễ hội Cha Kchaih (ăn than), những người đàn ông lên rừng đốt than phải đội chiếc mũ làm bằng lá của cây thuộc họ lồ ô, gọi là long kliă klao. Phía trước mũ tạo hình chóp như mỏ chim và phía sau tạo tua rua. Mỗi thành viên tham gia đốt than, trước khi gùi than về làng đều phải đội chiếc mũ này. Theo quan niệm xưa của đồng bào Gié - Triêng, chiếc mũ chính là vật kết nối con người với thần linh.
Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế cũng như hội nhập trong cuộc sống đã ảnh hưởng tới trang phục truyền thống của đồng bào Gié - Triêng. Dù trong sinh hoạt đời thường, người Gié - Triêng ăn mặc đơn giản, song trong các dịp lễ hội quan trọng, đồng bào Gié - Triêng vẫn mặc những bộ trang phục cổ truyền dân tộc của mình. Đây cũng là cách tốt nhất để bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa, riêng có của người Gié - Triêng ở xã Đăk Dục. Cùng với đó, hiện nay, đồng bào dân tộc Gié - Triêng đang ra sức phát huy nội lực, phát triển cộng đồng, hợp sức tích cực với nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nỗ lực vươn lên trên đường đổi mới, vừa phát triển kinh tế, vừa vẫn gìn giữ văn hóa dân tộc cổ truyền.