Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 tại Tổng hành dinh D67 |
Những quyết định lịch sử
Đại tá Nguyễn Thành Hữu - nguyên cán bộ Bộ Tổng tham mưu - cho biết, nhà D67 được xem là trung tâm của Tổng hành dinh, cơ quan đầu não của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Tại đây, diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, đưa ra nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tại nhà làm việc, hầm chỉ huy tác chiến lúc này vừa bảo đảm chỉ huy chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa phục vụ cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các chiến trường miền Nam, Lào, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968, ra quyết định mở chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971...
Đặc biệt, vào thời điểm Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch phòng không Hà Nội năm 1972 và nhất là trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường xuyên có mặt tại Tổng hành dinh, chủ trì các cuộc giao ban. Nhiều lần đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh đã có mặt tại Tổng hành dinh trực tiếp theo dõi tình hình chiến sự các chiến trường.
Ngày 6/7/1972, tại nhà làm việc Cục Tác chiến, dưới sự chủ trì của Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Hội nghị chuyên đề đánh B52 được tiến hành. Tại hầm chỉ huy tác chiến đêm 18/12/1972 đã diễn ra cuộc đấu trí giữa Bộ “thống soái” của quân đội ta với Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong những giờ phút quyết định ấy, từ hầm chỉ huy tác chiến, mệnh lệnh chiến đấu chính xác, kịp thời được phát ra cho các đơn vị tên lửa, phòng không bắn cháy B52 trên bầu trời Hà Nội.
Ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngày 24/5/1973, tại nhà D67, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng bàn về vấn đề miền Nam. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua ngày 4/10/1973 khẳng định: “Con đường cách mạng của miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công”. Ngày 30/1/1974, tại nhà D67, Bộ Chính trị đã họp mở rộng bàn kế hoạch nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh cách mạng miền Nam.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới với nhiều giá trị toàn cầu, nổi bật là trung tâm đầu não chính trị trải qua bao giai đoạn, triều đại lịch sử. Vì vậy, công tác bảo tồn cần làm kỹ hơn, đúng tầm vai trò chính trị của nó là cơ quan quyền lực tối cao, trong cả thời chiến và thời bình. |
Bảo tồn giá trị di tích
Nhắc đến Tổng hành dinh, những công trình nằm trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long không thể không nhắc đến những giá trị của di sản thế giới được UNESCO công nhận. Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - cho rằng, mỗi di tích trong Thành cổ Thăng Long như một chứng nhân của lịch sử mang những thông điệp khác nhau từ các vương triều phong kiến tự chủ cho đến những chiến công chống ngoại xâm hiển hách thời đại Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, mảnh đất Hoàng thành Thăng Long phổ hệ những giá trị di sản chồng xếp lên nhau, kéo dài hơn 1000 năm; trong đó, nhà và hầm D67 được xây dựng chồng lên không gian của điện Kính Thiên. Vì vậy, bài toán đặt ra với các nhà khoa học làm sao để hài hòa giữa giá trị di tích cách mạng và di sản văn hóa truyền thống của cha ông để lại? Làm thế nào phục hồi được điện Kính Thiên mà không đụng chạm đến tính nguyên vẹn của di tích nhà và hầm D67?
Theo các nhà nghiên cứu, bảo tồn các di tích trong Thành cổ Hà Nội là bảo tồn sự liên kết tinh tế giữa các di tích dấu xưa của Thăng Long - Hà Nội với các di tích lịch sử thời hiện đại để nơi đây thật sự trở thành một di tích - công viên lịch sử văn hóa. Để đạt được mục tiêu này nhiệm vụ quan trọng đặt ra là tiếp tục sưu tầm tư liệu, hiện vật gốc, trưng bày bổ sung nhằm làm nổi bật giá trị di tích cách mạng - kháng chiến nhà và hầm D67, Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu nhằm truyền tải thông tin chính xác tới du khách.