Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố ổn định. Nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, giá cả ổn định. Tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động bình thường, hàng hóa không khan hiếm.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một hộ kinh doanh bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội Zalo. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh |
Về kinh doanh xăng dầu, hiện nay cơ bản đã ổn định, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh nhưng lượng cung xăng dầu vẫn đầy đủ để phục vụ nhu cầu của thị trường nhưng cần phải tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi ngưng bán hàng không có lý do chính đáng, hành vi găm hàng, kinh doanh xăng dầu không đạt chất lượng.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn không có dấu hiệu giảm. Cụ thể, các nguồn hàng hóa di chuyển vào địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và được bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại, đặc biệt trong đó nổi cộm là phục vụ cho các hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử.
Do đó, để ngăn chặn những hành vi này và góp phần ổn định thị trường, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn quận 5. Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh |
Qua đó, từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, đã kiểm tra 3.953 vụ (tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện vi phạm 3.663 vụ. Đồng thời, đã xử lý 3.593 vụ, thu nộp ngân sách 80,4 tỷ đồng (tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 91,36% chỉ tiêu thi đua năm 2024).
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch trực tuyến cũng trở nên phức tạp hơn. Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) từ đó đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 198 vụ vi phạm, đã xử phạt với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 6,3 tỷ đồng.
Đối mặt hàng vàng, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 293 vụ, xử phạt với số tiền 15,2 tỷ đồng, hàng hóa trị giá vi phạm hơn 16,9 tỷ đồng. Đơn vị cũng đã kiểm tra và xử lý 95 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá , xử phạt với số tiền hơn 1 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 9 tỷ đồng. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đã kiểm tra 48 vụ, vi phạm 08 vụ, xử phạt với số tiền 293 triệu đồng,…
Những kết quả trên không chỉ góp phần ổn định thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên liên quan, từ nhà sản xuất, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Đồng thời, công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đã góp phần quan trọng vào việc duy trì trật tự, an ninh kinh tế trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động nắm bắt diễn biến thị trường, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền ký cam kết với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có trong kế hoạch, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,...