Hiệp định thương mại tự do giúp “trợ lực” xuất khẩu cà phê |
Sở Công Thương Bình Định cho biết, bên cạnh những thuận lợi, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng còn nhiều thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Định. Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định đã đưa ra những đề xuất, giải pháp, định hướng để thúc đẩy sản xuất, mở rộng, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế.
Vuasanca đã có cuộc trao đổi với ông Võ Mai Hưng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định xung quanh vấn đề trên.
Ông Võ Mai Hưng – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định |
Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua?
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2022 của tỉnh Bình Định ước thực hiện 128,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 3,3 lần; Gỗ tăng 67,7%; quặng và khoáng sản khác tăng 18,8%; hàng dệt, may tăng 18,5%; hàng thủy sản 10,3 triệu USD, tăng 13,7%... Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.107,1 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ và đạt 82% so với kế hoạch năm.
Tỉnh Bình Định có gần 95 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP với 16 mặt hàng, xuất khẩu sang tất cả 10 nước thành viên CPTPP với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 242,4 triệu USD, tăng 43,8% so với năm 2020, trong đó mặt hàng gỗ có KNXK nhiều nhất.
Gần 143 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên EVFTA với 14 mặt hàng, xuất khẩu sang 26/27 nước thành viên EVFTA (trừ Man-ta) với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 241 triệu USD, tăng 23,4% so với năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên EVFTA và gần 20 doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường UKVFTA với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47,2 triệu USD với 8 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, trong đó sản phẩm gỗ tinh chế nội, ngoại thất có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất.
8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bình Đinh ước đạt 1.107,1 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ |
Hiệp định thương mại tự do (FTA) có đóng góp gì vào những thay đổi tích cực trong thời gian qua của tỉnh Bình Định, thưa ông?
Để đạt được những kết quả khả quan trên có phần đóng góp quan trọng của các FTA mới ký kết. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại với mức độ tự do hóa cao cho thương mại và đầu tư cùng các quy tắc thương mại tiên tiến.
Các hiệp định này không chỉ mở ra các cơ hội thương mại với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường thương mại và đầu tư của tỉnh Bình Định. Tạo dựng môi trường thương mại minh bạch, cạnh tranh, bình đẳng; thông qua cơ chế minh bạch, bình đẳng, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các chủ trương, chính sách, có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin để thuận tiện trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp mình.
Tham gia vào mạng lưới các FTA giúp giảm thiểu tác động của sự suy giảm hệ thống thương mại đa phương. Ngoài ra, FTA thế hệ mới quy định chi tiết về đơn giản hóa thủ tục hải quan và chứng nhận xuất xứ. Các doanh nghiệp xuất khẩu được phép xuất trình chứng từ điện tử, làm thủ tục trước khi hàng đến cảng, áp dụng cơ chế một cửa, thực hiện quản lý rủi ro và hậu kiểm, cho phép áp dụng cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ... Các doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí giao dịch, thời gian làm thủ tục.
Bên cạnh những lợi ích, cơ hội, Bình Định gặp những rào cản nào từ các Hiệp định thương mại tự do?
Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do còn mang nhiều khó khăn, thách thức từ các rào cản thương mại và rào cản về lĩnh vực lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tuy số lượng nhiều nhưng hầu hết đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính liên kết chưa cao, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất còn nhiều hạn chế, một số lĩnh vực còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu quốc tế, môi trường lao động mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng theo các tiêu chuẩn hội nhập…
Việc tham gia vào thị trường quốc tế đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu tỉnh Bình Định phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Đồng thời việc tham gia vào các thị trường FTA phải cam kết mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn trên chính thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, hiện nay việc hàng thủy sản Việt Nam đang bị phạt “thẻ vàng”, có khả năng bị nâng thành “thẻ đỏ”, sẽ có thể đối mặt với với việc bị áp dụng một số chính sách, rào cản trừng phạt, thậm chí bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU, đồng thời bị đưa vào danh sách theo dõi; từ đó có thể gia tăng nguy cơ bị Mỹ và những thị trường tiềm năng khác có hành động tương tự làm ngành hải sản Bình Định mất thị trường.
Trước những cơ hội và thách thức như trên, thời gian đến ngành Công Thương Bình Định có những đề xuất, giải pháp gì để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường?
Thời gian đến, ngành Công Thương Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sản xuất, mở rộng, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản; tăng cường hỗ trợ đưa các sản phẩm nông, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, thương mại quảng bá hình ảnh, tiếp cận và mở rộng thị trường.
Thứ hai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao. Xây dựng các trung tâm logistics để tham gia mạng lưới logistics khu vực và quốc tế; xây dựng chợ đầu mối nông sản, nâng cấp, cải tạo phát triển chợ truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ của chợ theo hướng chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại hỗ trợ các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực tập trung, tạo nguồn hàng xuất khẩu quy mô lớn và có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở chiến lược kinh doanh phù hợp, đổi mới phương thức kinh doanh, tăng cường tiềm lực của doanh nghiệp và phát triển các liên kết trong và ngoài nước. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số của doanh nghiệp.
Bình Đinh tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu để tăng thị phần xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. |
Thứ tư, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu để tăng thị phần xuất khẩu theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Đồng thời, phát triển xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống, như Mỹ, EU, Trung Quốc, các nước Đông Á, ASEAN...
Thứ năm, tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ sáu, tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA và thị trường của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tận dụng hiệu quả hơn các lợi thế do các FTA mang lại.
Thứ bảy, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Mặc khác, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất nâng cao chất lượng, tăng giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử xuyên biên giới và tham gia các sàn thương mại điện tử thế giới.