Bình Dương: Độc đáo nghệ thuật tạo hình từ trái cây miệt vườn
Ngày 1/5, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra ngày hội “Tạo hình nghệ thuật” từ hoa và nhiều loại cây ăn trái là sản vật được trồng tại các nhà vườn ở địa phương.
Tại ngày hội này, những tác phẩm nghệ thuật tạo hình từ cây trái do những bàn tay khéo léo của người dân Bình Dương sáng tạo, được trưng bày tại đình thần Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Những mâm quả có hình thù long phượng được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tạo hình từ muôn loài cây trái sản vật của người Bình Dương. |
Ngày hội không chỉ thu hút người dân địa phương tại phường Tương Bình Hiệp mà còn thu hút đông đảo các nhà vườn đến từ các địa phương khác như TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) và 1 đơn vị đến từ tỉnh Tây Ninh.
Tại ngày hội “Tạo hình nghệ thuật”, người dân đã đem những trái dưa hấu, trái cam, trái ớt, trái cà, quả cau, lá trầu… cùng nhiều loại hoa lá, rau củ quả gom góp để sáng tạo nên nhiều hình thù nghệ thuật đa dạng và độc đáo. Đây là nét đẹp vốn có, tạo thêm không gian văn hóa để nhân dân sinh hoạt trong những ngày lễ truyền thống của dân tộc ở địa phương.
Được biết, vào tháng 5, những trái cây đặc sản ở Bình Dương bắt đầu vào mùa chín rộ, qua đó, người dân xuống vườn hái chọn những trái cây đẹp nhất để đem đi tham gia lễ hội, dâng cúng tại đình, chùa và tổ tiên với ý nghĩa cầu mong cho những mùa vụ tiếp theo được mùa bội thu, no ấm. Đây là nét văn hóa truyền thống nhằm phát huy, nâng tầm thương hiệu trái cây miệt vườn ở Bình Dương như: Cam Hiếu Liêm, bưởi Bạch Đằng, măng cụt Lái Thiêu…
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thể thao TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ngày hội “Nghệ thuật tạo hình” từ hoa quả diễn ra hàng năm không chỉ là biểu diễn mỹ thuật, trưng bày quảng bá sản phẩm mà còn là cách để gìn giữ, phát huy truyền thống lễ hội mùa trái chín ở Bình Dương.
Đặc biệt, phường Tương Bình Hiệp là cái nôi của làng nghề truyền thống nổi tiếng hơn 300 năm ở Bình Dương. Nơi đây hội tụ rất nhiều nghệ nhân có “bàn tay vàng” sáng tạo nhiều mô hình nghệ thuật độc đáo trên nhiều chất liệu, trong đó có trái cây sản vật từ những miệt vườn ở các địa phương.